Ngân hàng chờ "mùa vàng"
Hiện có khá nhiều ngân hàng đã đạt mục tiêu lợi nhuận cả năm từ 85 - 95%, một số nhà băng thậm chí đã về đích dù năm 2019 mới đi qua 3/4 chặng đường.
Ngay sau kỳ báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019, hoạt động ngân hàng xuất hiện những tín hiệu mới về tổng thể và riêng lẻ, hứa hẹn nối tiếp một năm khả quan về lợi nhuận của ngành ngân hàng Việt Nam.
Vượt chỉ tiêu cả năm
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các ngân hàng cho thấy phần lớn các thành viên đều có kết quả khả quan, một số thành viên thậm chí đã vượt mục tiêu lợi nhuận cho cả năm 2019.
Chẳng hạn, Saigonbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng 81% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Saigonbank đã hoàn thành vượt 25,7% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2019 (175 tỷ đồng).
Đáng chú ý, Saigonbank có được lợi nhuận tăng vọt nhờ sau nhiều năm hi sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng. Hiện, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh nên khoản trích lập giảm đi (giảm tới 65,3% so với cùng kỳ), góp phần làm cho lợi nhuận của Saigonbank tăng lên.
Tương tự, Eximbank qua 9 tháng đầu năm đã đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.102 tỷ đồng, vượt 2,3% kế hoạch lợi nhuận năm 2019, trong đó ngân hàng đã cắt giảm mạnh tới 69% chi phí dự phòng so với cùng kỳ.
Nhiều nhà băng khác gần chạm mốc mục tiêu từ 85-94% kế hoạch lợi nhuận của cả năm như: Sacombank, VietinBank, Vietcombank, Agribank, LienVietPostBank, VietBank…
Điển hình, kết thúc 9 tháng đầu năm, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.491 tỷ đồng, tăng trưởng tới 89,5% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Sacombank đã hoàn thành tới 94% kế hoạch lợi nhuận năm (2.650 tỷ đồng).
Theo thống kê, Sacombank là một trong những nhà băng có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất hệ thống, xét tới thời điểm hiện tại.
VietinBank cũng đang tiến đến rất gần đích khi hoàn thành được 89% kế hoạch năm chỉ trong 9 tháng. Cụ thể, sau 3 quý, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 8.456 tỷ đồng, tăng trưởng 11,3% so với cùng kỳ.
Hoạt động tín dụng vẫn đóng vai trò “xương sống” khi mang về cho ngân hàng khoản lãi hơn 24,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ và chiếm tới 81,8% tổng thu nhập hoạt động. Ngoài ra, hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng có đóng góp đáng kể trong tổng thu nhập của nhà băng này.
Kết thúc quý III, lợi nhuận trước thuế lũy kế của LienVietPostBank ghi nhận 1.636 tỷ đồng, bằng 161% so với cùng kỳ năm 2018, hoàn thành 86% mục tiêu kế hoạch năm 2019.
Vietcombank đạt 17.600 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tăng gần 51% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 85,8% kế hoạch năm.
Nắm bắt cơ hội tăng lợi nhuận
Kết quả tăng trưởng tốt trong 9 tháng năm 2019 của các tổ chức tín dụng không chỉ xóa tan quan ngại về khả năng phân hóa sâu hoặc giảm tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng do room tín dụng ở nhiều tổ chức đã gần cạn và chi phí vốn lại tăng. Dự báo mùa bội thu của các nhà băng trong niên độ tài chính 2019 đang rất gần.
Thực tế, nếu so sánh với tăng trưởng lợi nhuận với các năm trước, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm của các ngân hàng đã có phần chậm lại.
Tuy nhiên, nhờ các biện pháp tái cơ cấu danh mục cho vay, đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, trong đó có bán bảo hiểm nhân thọ đã mang lại cho các nhà băng khoản lãi không nhỏ.
Mặt khác, sau nhiều năm hi sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng, hiện một số ngân hàng xử lý được các khoản nợ xấu này, góp phần hoàn nhập dự phòng giúp lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn.
Theo tiết lộ của lãnh đạo một ngân hàng thương mại, quý IV thường là quý kinh doanh sôi động nhất trong năm của các nhà băng. Do đó, nhiều ngân hàng sẽ nắm bắt cơ hội này để vượt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đánh giá lợi nhuận ngành ngân hàng dần cải thiện trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng, nhất là sau giai đoạn ngành đẩy mạnh tái cơ cấu.
Tuy nhiên, ông Thành vẫn tỏ ra lo lắng nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng trong quý III và sang quý IV khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay, rủi ro về nợ xấu tăng cao vẫn luôn rình rập. Do đó, kết quả lợi nhuận năm nay sẽ có sự phân hoá rõ rệt giữa các ngân hàng.
Theo lý giải của TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, sự phân hóa lợi nhuận hiện nay là do mỗi nhà băng có sự chuẩn bị khác nhau từ nhiều năm trước, đặc biệt trong bối cảnh chịu sự ảnh hưởng bởi hạn mức tín dụng, tức là vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động tín dụng, bên cạnh yêu cầu đáp ứng các tiêu chí an toàn vốn của chuẩn Basel II.
Dù vậy, có một điểm tích cực dễ nhận thấy là các ngân hàng đã đa dạng hóa nguồn thu bằng cách đẩy mạnh hoạt động dịch vụ để bù lại cho tăng trưởng từ hoạt động tín dụng.