Tác động của các thành phần năng lực cạnh tranh đến kết quả hoạt động của ngân hàng thương mại
Bài viết này đánh giá những tác động của các thành phần năng lực cạnh tranh đến kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại và đề xuất một số giải pháp để các ngân hàng thương mại phát triển trong bối cảnh mới.
Quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển mạnh mẽ thông qua cơ hội được đào tạo, tiếp cận với những sản phẩm ngân hàng mới cũng như cơ hội được học hỏi kinh nghiệm quản lý rủi ro của các ngân hàng trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng đặt ra không ít thách thức đối với các ngân hàng thương mại ở Việt Nam là làm thể nào để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh.
Năng lực cạnh tranh và tác động đến kết quả hoạt động của ngân hàng thương mại
Trong những năm qua, nhất là giai đoạn từ năm 2011 cho đến nay, ngành Ngân hàng Việt Nam đã có những bước đổi mới đột phá, tiến sâu hơn vào quá trình hội nhập quốc tế nhất là khi một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Bên cạnh việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở ra nhiều cơ hội đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Việc mở cửa hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng đã cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) được hoạt động kinh doanh, cạnh tranh trong một sân chơi công bằng và bình đẳng hơn. Bên cạnh đó, các NHTM có cơ hội nhận được sự hỗ trợ về tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới từ các ngân hàng nước ngoài để tăng cường khả năng phòng ngừa và xử lý rủi ro cũng như có cơ hội tiếp cận, phát triển đa dạng các tiện ích ngân hàng mới hiện đại.
Mặc dù đã đạt được những bước phát triển nhất định, song khoảng cách về trình độ phát triển giữa các NHTM trong nước cũng như giữa các NHTM trong nước với các NHTM ngoài nước vẫn còn rất lớn về mọi phương diện và khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới, các NHTM Việt Nam cũng gặp phải những thách thức và sức ép không hề nhỏ.
Thách thức đầu tiên phải kế đến là một lượng lớn các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và trình độ quản lý tham gia vào thị trường tài chính ở Việt Nam nên sự cạnh tranh gay gắt là điều khó có thể tránh khỏi. Hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải có một nguồn nhân lực không chỉ có chuyên môn cao về nghiệp vụ ngân hàng mà còn phải am hiểu Luật thương mại quốc tế và có kiến thức, kỹ năng đánh giá, dự báo theo chuẩn mực quốc tế trong khi trình độ nguồn nhân lực của các NHTM Việt Nam còn rất yếu kém.
Do đó, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là các NHTM ở Việt Nam bên cạnh tận dụng và phát huy những cơ hội của quá trình hội nhập và phát triển mang lại thì cần phải có năng lực cạnh tranh tốt hơn các đối thủ khác.
Cạnh tranh
Theo từ điển Bách Khoa Việt Nam (2014), cạnh tranh trong kinh doanh là hoạt động tranh đua giữa những người sản xuất hàng hóa, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, chi phối quan hệ cung cầu nhằm giành các điều kiện sản xuất, tiêu thụ thị trường có lợi nhất.
Theo Porter (1998), cạnh tranh là giành lấy thị phần. Bản chất của cạnh tranh là tìm kiếm lợi nhuận, là khoản lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trung bình mà doanh nghiệp đang có. Kết quả quá trình cạnh tranh là sự bình phân hóa lợi nhuận trong ngành theo chiều hướng cải thiện sâu dẫn đến hệ quả là giá cả có thể giảm đi.
Năng lực cạnh tranh
Có khá nhiều định nghĩa về năng lực cạnh tranh, sau đây tác giả xin đề cập một số khái niệm dưới góc độ năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp:
Theo Porter (1998), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng duy trì, mở rộng thị phần và đạt được lợi nhuận cao của doanh nghiệp. Đây là quan niệm khá phổ biến hiện nay, theo đó năng lực cạnh tranh là khả năng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ so với đối thủ và khả năng thu lợi của các doanh nghiệp. Ngoài ra, Porter còn cho rằng, để có thể cạnh tranh thành công các doanh nghiệp phải có được lợi thế cạnh tranh dưới hình thức hoặc là có được chi phí sản xuất thấp hơn hoặc là có khả năng khác biệt hóa sản phẩm để đạt được những mức giá cao hơn trung bình. Năng lực cạnh tranh phải gắn liền với khái niệm phát triển bền vững, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Theo Sanchez & Heene (2004), năng lực cạnh tranh của một công ty là khả năng duy trì, triển khai, phối hợp các nguồn lực và khả năng theo cách giúp công ty đạt được mục tiêu của nó. Như vậy, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng tạo ra lợi thế cạnh tranh, năng suất và chất lượng cao hơn đối thủ cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần lớn, tạo ra thu nhập cao và phát triển bền vững. Nó trước hết phải được tạo ra từ thực lực của doanh nghiệp.
Theo Nguyễn Minh Tuấn (2010), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, thu hút và sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất nhằm đạt lợi ích kinh tế cao và đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có rất nhiều khái niệm về năng lực cạnh tranh của các NHTM như sau:
Theo Nguyễn Thanh Phong (2010), “Năng lực cạnh tranh của NHTM là khả năng do chính ngân hàng tạo ra trên cơ sở duy trì và phát triển những lợi thế vốn có, nhằm củng cố và mở rộng thị phần, gia tăng lợi nhuận và có khả năng chống đỡ, vượt qua những biến động bất lợi của môi trường kinh doanh”. Theo định nghĩa này, năng lực cạnh tranh của NHTM được đánh giá qua các yếu tố như: Năng lực tài chính, năng lực công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị điều hành, mạng lưới hoạt động, mức độ đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh… Trong đó, năng lực tài chính và năng lực quản trị được xem là những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định năng lực cạnh tranh của NHTM.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Quy (2008) cho rằng, “Năng lực cạnh tranh của ngân hàng là khả năng ngân hàng đó tạo ra, duy trì và phát triển những lợi thế nhằm duy trì và mở rộng thị phần, đạt được mức lợi nhuận cao hơn mức trung bình của ngành và liên tục tăng, đồng thời đảm bảo hoạt động an toàn và lành mạnh, có khả năng chống đỡ và vượt qua những biến động bất lợi của môi trường kinh doanh”. Khái niệm trên cũng thể hiện sự linh hoạt trong chiến lược cạnh tranh của NHTM khi thích nghi và tận dụng những thay đổi của môi trường kinh doanh.
Tóm lại, năng lực cạnh tranh của các NHTM được định nghĩa là khả năng sử dụng, phối hợp các nguồn lực nhằm duy trì và tạo ra lợi thế của mình so với các đối thủ cạnh tranh và đạt được các mục tiêu đề ra trong môi trường kinh doanh luôn thay đổi.
Kết quả hoạt động kinh doanh
Các nhà nghiên cứu khác nhau có những quan điểm khác nhau về kết quả hoạt động kinh doanh.Kaplan và Norton (1992) định nghĩa, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được xác định từ 4 nhóm thành phần cơ bản, bao gồm (1) Tài chính, (2) Khách hàng, (3) Quy trình nội bộ và (4) Học tập phát triển. Các doanh nghiệp sử dụng việc quản lý và đo lường kết quả hoạt động kinh doanh để tạo ra một sự hiểu biết nhất quán trong chiến lược kinh doanh bằng cách chuyển chiến lược thành một tập hợp các thang đo lường kết quả hoạt động kinh doanh.
Neely và cộng sự (1995) cho rằng, kết quả hoạt động kinh doanh là một bộ tiêu chí nhằm định lượng tính năng suất và hiệu quả các mặt hoạt động trong doanh nghiệp. Nó được kiểm định bởi 3 cấp độ: cá nhân, mục tiêu của doanh nghiệp và mối quan hệ giữa các tiêu chí đánh giá đó với môi trường hoạt động (văn hóa, thỏa mãn khách hàng, chiến lược phát triển…). Đo lường kết quả hoạt động kinh doanh là một quá trình định lượng kết quả và hiệu quả của hoạt động kinh doanh.
Theo Waal và Coevert (2007), kết quả hoạt động có nghĩa là quá trình liên tục đạt được các mục tiêu tài chính cũng như phi tài chính, phát triển kỹ năng, năng lực và cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng và quy trình chất lượng. Như vậy, khái niệm kết quả hoạt động kinh doanh của Waal và Coevert (2007) đã đề cập tới cả các yếu tố tài chính của Kaplan và Norton (1992).
Mô hình lý thuyết biểu diễn mối quan hệ tác động giữa các thành phần năng lực cạnh tranh đến kết quả hoạt động kinh doanh của các NHTM được trình bày với các giả thuyết nghiên cứu là 7 yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh bao gồm: (1) Khả năng quản trị; (2) Khả năng marketing; (3) Khả năng tài chính; (4) Khả năng đổi mới sản phẩm/dịch vụ; (5) Khả năng tổ chức phục vụ; (6) Khả năng quản trị rủi ro và (7) Khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh có tác động dương tới kết quả hoạt động kinh doanh của các NHTM ở Việt Nam.
Để phát triển năng lực cạnh tranh cho các NHTM Việt Nam
Từ việc đánh giá về năng lực cạnh tranh và sự tác động của năng lực cạnh tranh đến hiệu quả hoạt động của các NHTM trên cơ sở các luận điểm khoa học nêu trên, có thể gợi mở ra một số đề xuất giúp cho các NHTM của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh như sau:
Thứ nhất, cần tăng cường năng lực tài chính
Năng lực tài chính của các NHTM nước ta nhìn chung là kém, tất cả các chỉ số đều còn là thấp so với các nước trong khu vực. Do đó để nâng cao năng lực tài chính các ngân hàng nên thực hiện một số biện pháp như: Khẩn trương tăng vốn điều lệ và xử lý dứt điểm nợ tồn đọng nhằm lành mạnh hoá tình hình tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh và chống rủi ro.
Đối với các NHTM nhà nước, cần áp dụng các biện pháp thực tế như phát hành cổ phiếu ở mức cần thiết hoặc bán tài sản và thuê lại để bổ sung vốn điều lệ nhằm đạt được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%, xử lý hết nợ tồn đọng.
Đối với các NHTM cổ phần, cần tăng vốn điều lệ thông qua sáp nhập, hợp nhất, phát hành bổ sung cổ phiếu; đối với những NHTM hoạt động quá yếu kém, không thể tăng vốn điều lệ và không khắc phục được những yếu kém về tài chính thì có thể thu hồi giấy phép hoạt động.
Thứ hai, cần hiện đại hoá công nghệ ngân hàng và hệ thống thanh toán, chú trọng hoạt động Marketing, đa dạng hoá và nâng cao tiện ích các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại dựa trên công nghệ hiện đại.
Công nghệ ngân hàng nước ta dù được chú trọng trong thời gian qua nhưng vẫn bị đánh giá là yếu kém. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã triển khai các phần mềm hiện đại với chức năng hoạt động giao dịch trực tuyến (Online), tạo thêm nhiều sản phẩm gia tăng cho khách hàng trong quá trình giao dịch với ngân hàng. Nhìn chung, các phần mềm mà một số NHTM đang ứng dụng đều là những phần mềm thế hệ mới được nhiều ngân hàng trên thế giới đang sử dụng. Tuy nhiên, công tác triển khai chậm và khi triển khai xong, một số bộ phận lại chưa tạo được một cơ chế nhằm khai thác có hiệu quả công nghệ đó.
Cùng với việc hiện đại hóa công nghệ, các NHTM cần có chính sách khai thác công nghệ hiệu quả thông qua việc phát triển những sản phẩm và nhóm sản phẩm dựa trên công nghệ cao nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ, tạo ra sự đa dạng trong lựa chọn sản phẩm và tăng cường bán chéo sản phẩm đến khách hàng. Đồng thời, việc phát triển đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ cũng sẽ góp phần phân tán và hạn chế bớt rủi ro trong quá trình hoạt động.
Thứ ba, các NHTM cần cải tiến và đơn giản hoá các thủ tục hành chính, thủ tục vay vốn nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng.
Thứ tư, cần xác định khách hàng mục tiêu, xây dựng chiến lược khách hàng và tăng cường phát triển mạng lưới.
Xây dựng chiến lược khách hàng đúng đắn, ngân hàng và khách hàng luôn gắn bó với nhau, phải tạo ra, giữ vững và phát triển mối quan hệ lâu dài với tất cả khách hàng. Cần đánh giá cao khách hàng truyền thống và khách hàng có uy tín trong giao dịch ngân hàng. Đối với những khách hàng này, khi xây dựng chiến lược ngân hàng phải hết sức quan tâm, gắn hoạt động của ngân hàng với hoạt động của khách hàng, thẩm định và đầu tư kịp thời các dự án có hiệu quả rõ ràng.
Thứ năm, chú trọng xây dựng một hệ thống thanh toán điện tử rộng khắp.
Do các đặc tính sản phẩm từ các ngân hàng đều có điểm giống nhau nên việc tạo ra sự khác biệt là điều hết sức quan trọng. Về chiến lược thu hút tiền gửi, cần xây dựng một hệ thống thanh toán điện tử rộng khắp nhằm tạo cho dân chúng thói quen sử dụng tài khoản ngân hàng. Đồng thời, những thủ tục rắc rối cần được cắt bỏ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng.
Thứ sáu, cần nâng cao năng lực quản trị điều hành của Ban lãnh đạo và chất lượng của đội ngũ nhân viên các NHTM.
Chất lượng con người là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công của tổ chức. Do đó việc nâng cao năng lực quản trị điều hành của Ban lãnh đạo và chất lượng của đội ngũ nhân viên các NHTM là vô cùng cấp thiết đối với các NHTM Việt Nam để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh kết quả hoạt động kinh doanh hơn trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
- Bạch Ngọc Hoàng Ánh (2018), Ảnh hưởng của nhân tố năng lực cạnh tranh đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Luận án tiến sĩ ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
- Nguyễn Đình Thọ & Nguyễn Thị Mai Trang (2009), Nghiên cứu khoa học trong quản trị kinh doanh, NXB Thống kê;
- Nguyễn Đình Thọ & Nguyễn Thị Mai Trang (2009), Một số yếu tố tạo thành năng lực động của doanh nghiệp và giải pháp nuôi dưỡng; Hội thảo “Năng lực cạnh tranh động của doanh nghiệp”, trang 17-33, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
- Nguyễn Minh Tuấn (2010), Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước trong hội nhập kinh tế quốc tế, NXB Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh;
- Nguyễn Thanh Phong (2010), “Năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế”, Tạp chí Phát triển kinh tế, (số 12), trang 223-230;
- Nguyễn Thị Quy (2008), Năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại trong xu thế hội nhập, NXB Lý luận chính trị;
- Nguyễn Thu Hiền (2012), Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại nhà nước Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án tiến sĩ ngành Tài chính - ngân hàng, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Văn Thụy (2015), Ảnh hưởng của nhân tố năng lực cạnh tranh đến kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Luận án tiến sĩ ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
- Từ điển Bách khoa Việt Nam (2014).