Ngân hàng đã thoát tình cảnh “đầu năm lãi lớn, chốt năm lãi nhỏ”

Theo Vân Linh/tinnhanhchungkhoan.vn

BIDV ước đạt hơn 7.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2016, tăng 7% so với năm 2015; VCBS dự báo, năm 2016, Vietcombank có thể đạt lợi nhuận trước thuế 8.829 tỷ đồng, tăng 29,31% so với năm 2015 và vượt 17,7% kế hoạch; ACB, VPBank, Techcombank... cũng dự kiến vượt kế hoạch năm.

Hầu hết ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận năm 2017 sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nguồn: internet.
Hầu hết ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận năm 2017 sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nguồn: internet.

Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, giai đoạn 2011-2015, lợi nhuận, cổ tức của các ngân hàng suy giảm, chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tăng cao. Tuy nhiên, năm 2016, lợi nhuận của các ngân hàng bật tăng trở lại, đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, dù đã phải trích lập 2/3 lợi nhuận cho dự phòng rủi ro.

Lợi nhuận của Vietcombank năm 2016 được Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo có thể đạt hơn 8.800 tỷ đồng và vượt 12.000 tỷ đồng trong năm 2017.

Theo VCBS, năm 2016, Vietcombank có thể đạt lợi nhuận trước thuế 8.829 tỷ đồng, tăng 29,31% so với năm 2015 và vượt 17,7% kế hoạch, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 6.000 tỷ đồng do Ngân hàng tập trung trích lập hết lượng trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sở dĩ lợi nhuận của Vietcombank tăng cao là do tín dụng tăng trưởng đáng kể trong năm 2016, đạt mức tăng 18%.

Về triển vọng kinh doanh 2017, VCBS cho rằng, Vietcombank sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao do giảm chi phí dự phòng và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi. Một yếu tố khác đóng góp vào lợi nhuận của Vietcombank năm 2017 là thu nhập ngoài lãi giả định tăng trưởng 10,23%, trong đó thu từ dịch vụ vẫn giữ mức tăng trưởng cao 15%.

BIDV ước đạt hơn 7.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2016, tăng 7% so với năm 2015, dù con số trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2016, BIDV đã trích lập gần 7.000 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2015.

Lợi nhuận năm 2016 của BIDV khả quan là nhờ dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt. Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt hơn 935.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng tổ chức kinh tế và cá nhân đạt hơn 758.000tỷ đồng, tăng 17,85%.

Huy động vốn đạt gần 939.000 tỷ đồng, trong đó huy động vốn từ dân cư và tổ chức là gần 796.000 tỷ đồng, tăng 20,45%. Tỷ lệ nợ xấu được BIDV kiểm soát ở mức 1,47% tổng dư nợ.

Nhiều ngân hàng khác cũng hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 như: ACB vượt chỉ tiêu lợi nhuận lợi nhuận trước thuế năm 2016 (hơn 1.500 tỷ đồng); VPBank, Techcombank đạt hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong 3 quý đầu năm 2016 và dự kiến vượt kế hoạch cả năm.

Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Sacombank cho biết, nếu tính riêng Sacombank (không tính ngân hàng sáp nhập là Phương Nam) thì năm 2016, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 4.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức gần 3.000 tỷ đồng các năm trước.

Thời điểm cuối năm 2016, tổng tài sản của Sacombank đạt trên 330.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2015; vốn chủ sở hữu đạt hơn 22.000 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động gần 300.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ thị trường 1 (huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế) là 290.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm.

Tổng tín dụng của Sacombank năm 2016 đạt hơn 232.000 tỷ đồng, tăng 18,6%, trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 193.000 tỷ đồng, tăng 7%.

Tại VIB, tính đến hết tháng 11/2016, lợi nhuận trước dự phòng của Ngân hàng đạt 1.150 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2015; tổng doanh thu hoạt động của Ngân hàng tăng 23,5%; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là 15,6%.

Theo đánh giá của một chuyên gia tiền tệ, một trong những thuận lợi đối với hoạt động ngành ngân hàng năm qua là tỷ giá, lãi suất ổn định, tín dụng tăng trưởng tích cực. Nợ xấu được giữ ổn định ở mức dưới 3%, đến 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu ước tính còn khoảng 2,46%. Từ đầu năm 2016 đến hết 30/11/2016, VAMC đã thực hiện mua 839 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc là 23.283 tỷ đồng, giá mua nợ là 22.483 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2017, thách thức vẫn là việc xử lý nợ xấu. Nếu nợ xấu chưa được đẩy nhanh xử lý, áp lực dự phòng sẽ tăng. Mặc dù vậy, hầu hết các ngân hàng đều kỳ vọng, lợi nhuận năm 2017 sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo Thống kê, NHNN vừa qua cho thấy, các tổ chức tín dụng khá lạc quan về kết quả đạt được trong năm 2016 và vững tin vào những bước phát triển mới trong năm 2017.

Năm 2017, 89,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận của đơn vị tăng trưởng so với năm 2016, với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống kỳ vọng đạt 13,4%, cao hơn so với mức tăng bình quân ước tính của năm 2016.