Ngân hàng đòi nợ, bên thế chấp kháng cáo đòi hủy hợp đồng

Theo Bùi Trang/thitruongtaichinhtiente.vn

Sau nhiều năm được vay vốn, khách hàng không trả nợ, ngân hàng kiện đòi nợ để xử lý tài sản thế chấp thì bên thế chấp phản tố đòi hủy hợp đồng…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo tài liệu vụ án, năm 2008, Ngân hàng A. ký hợp đồng tín dụng với Công ty cổ phần xử lý môi trường công nghiệp Việt Nam hạn mức 50 tỷ đồng, mục đích là để bổ sung vốn lưu động kinh doanh sắt thép, xăng dầu. Sau đó, ngân hàng đã giải ngân cho công ty theo các khế ước nhận nợ.

Về tài sản thế chấp, công ty thế chấp một số tài sản là bất động sản nhưng ngân hàng cũng đã giải chấp căn cứ vào hợp đồng. Hiện chỉ còn một tài sản thế chấp là diện tích 548m2 tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội đứng tên hộ gia đình ông Hạ Văn Đ.

Quá trình vay vốn, công ty không trả nợ đúng hạn. Ngân hàng đã nhiều lần làm việc với công ty để tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, công ty vẫn không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng yêu cầu Tòa án buộc Công ty cổ phần xử lý môi trường công nghiệp Việt Nam phải trả cho ngân hàng số tiền 115,1 tỷ bao gồm cả nợ gốc và lãi.

Trong trường hợp công ty không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ nêu trên và lãi, phí phát sinh thì ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất nói trên để thu hồi nợ.

Được biết, Tòa án đã nhiều lần cùng chính quyền địa phương đến trụ sở công ty đồng thời là nơi ở của ông Nguyễn Đức Tiến, là người đại diện theo pháp luật của công ty để tống đạt các văn bản tố tụng và ghi lời khai nhưng ông Tiến không có mặt ở nhà. Do đó, Tòa án không tiến hành ghi lời khai của bị đơn được.

Đại diện theo ủy quyền của ông Đ. trình bày, do quen biết nên gia đình ông Hạ Văn Đ. đồng ý thế chấp đất để đảm bảo khoản vay của công ty, phạm vi nghĩa vụ bảo đảm là 1,45 tỷ đồng bao gồm cả gốc và lãi. Vì vậy, gia đình ông Đ. không đồng ý với yêu cầu xử lý tài sản thế chấp của ngân hàng vì khi ký hợp đồng thế chấp tài sản, công chứng viên không giải thích rõ nội dung. Khi tiến hành giải ngân, ngân hàng không thông báo cho vợ chồng ông Đ.

Thực tế, Công ty cổ phần xử lý môi trường công nghiệp Việt Nam không kinh doanh xăng dầu, sắt thép. Gia đình ông Đ. đề nghị được trả thay số tiền 700 triệu đồng để giải chấp nhà, đất. Tuy nhiên, đề nghị này không được ngân hàng chấp nhận.

Bản án sơ thẩm tuyên buộc công ty xử lý môi trường công nghiệp Việt Nam phải có nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, trường hợp không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ, ngân hàng có quyền yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. 

Sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình ông Đ. đã kháng cáo đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu độc lập hủy Hợp đồng ủy quyền, hợp đồng thế chấp.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ngân hàng cho biết sau khi xem xét đối chiếu, ngân hàng yêu cầu công ty phải trả số tiền 92,7 tỷ đồng bao gồm cả nợ gốc và lãi. Trong khi đó, gia đình ông Đ. đề nghị trả số nợ gốc là 1,45 tỷ đồng và miễn toàn bộ lãi để giải chấp nhà đất.

Tòa phúc thẩm cho rằng các bên đã ký kết Hợp đồng thế chấp trước mặt công chứng viên, khi ký kết các bên đương sự có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, các bên ký kết trên cơ sở tự nguyện không bị ai ép buộc, nội dung và hình thức của Hợp đồng thế chấp phù hợp với quy định pháp luật, được đăng ký giao dịch đảm bảo nên phát sinh hiệu lực.

Tòa án cho rằng yêu cầu của ngân hàng trong trường hợp công ty không trả nợ thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp nêu trên là có căn cứ nên chấp nhận.

Tại phiên toà ông Hạ Văn Đ. đề nghị được trả gốc và miễn lãi, tuy nhiên tại Điều 2 Hợp đồng thế chấp về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm thì nghĩa vụ trả nợ (bao gồm cả gốc, lãi trong hạn, lãi phạt quá hạn, các khoản phí và chi phí phát sinh khác liên quan) trong đó mức dư nợ, số tiền cho vay theo các Hợp đồng tín dụng là 1,45 tỷ đồng. Do vậy, Tòa án không chấp nhận kháng cáo đề nghị trả số nợ gốc của ông Đ.

Tòa án quyết định buộc Công ty cổ phần xử lý môi trường công nghiệp Việt Nam phải có nghĩa vụ trả số nợ gốc và lãi là 92,7 tỷ đồng. Trường hợp Công ty cổ phần xử lý môi trường công nghiệp Việt Nam không thanh toán được khoản nợ nêu trên, thì ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ với phạm vi nghĩa vụ bao gồm 1,45 tỷ đồng nợ gốc và hơn 3,1 tỷ đồng nợ lãi.