Ngân hàng giảm lãi suất, doanh nghiệp hưởng lợi lớn

Theo Hà Tâm/baodautu.vn

Không chỉ giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay. Tính từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại đã giảm 1 - 1,5% lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng tiền lãi.

Vietcombank vừa giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh
Vietcombank vừa giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng lớn tiên phong, mặt bằng lãi suất giảm dần

Đầu tuần này, Ngân hàng Vietcombank công bố giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay với doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm, áp dụng với tất cả doanh nghiệp, thay vì chỉ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên như những lần trước.

Theo ước tính của Vietcombank, quy mô đợt giảm lãi suất này tác động tới 320.000 tỷ đồng dư nợ cho vay của Ngân hàng. Lợi nhuận ước tính của Vietcombank có thể giảm 260 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm. Tính từ đầu năm, Vietcombank đã 3 lần giảm lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp với mức giảm 1,5% lãi suất, chấp nhận lợi nhuận giảm gần 600 tỷ đồng.

Ngoài Vietcombank, từ đầu năm đến nay, VietinBank, Agribank và BIDV cũng đã nhiều lần cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thuộc lĩnh vực ưu tiên, với mức giảm mỗi lần là 0,5%/năm.

Phía ngân hàng TMCP tư nhân cũng nhanh chóng nhập cuộc. Ngay sau khi Vietcombank công bố giảm lãi suất, Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng công bố giảm tới 2% lãi suất áp dụng cho các khách hàng mới, giảm 1% cho các khách hàng hiện hữu đáp ứng điều kiện, giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi… nông nghiệp.

Ước tính, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế năm 2019 khoảng 8 triệu tỷ đồng, trong đó, một nửa thuộc về ngân hàng thương mại nhà nước. Trong tổng dư nợ cho vay của ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, có 40 - 50% là cho vay lĩnh vực ưu tiên (khoảng vài triệu tỷ đồng). Như vậy, với mức giảm lãi suất 1 - 1,5% từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã chấp nhận giảm hàng ngàn tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ doanh nghiệp, chưa kể sự vào cuộc của một số ngân hàng TMCP tư nhân khác như MSB, VPBank, Techcombank...

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc ngân hàng lớn tiên phong giảm lãi suất cho vay sẽ tác động tích cực tới thị trường, chấm dứt việc ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất huy động.

Để chuẩn bị cho việc giảm lãi suất cho vay, suốt  tuần gần đây, hàng loạt ngân hàng đã tham gia cắt giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,2 đến 0,8%/năm, tùy kỳ hạn. Các ngân hàng mới nhất vừa tham gia giảm lãi suất huy động là Vietcombank, BIDV,

VietinBank, TPBank, VPBank, ACB, BacA Bank… Cùng với giảm lãi suất, hàng loạt ngân hàng như TPBank, VPBank, VIB… cũng đồng loạt giảm các loại phí dịch vụ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc một số ngân hàng thương mại hạ mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đang tạo tâm lý tích cực cho thị trường. Mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt là điều kiện thuận lợi để mặt bằng lãi suất cho vay có thể hạ nhanh và mạnh hơn trong thời gian tới.

Trước đó, phát biểu trước Quốc hội chiều 8/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, phấn đấu năm 2020 giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên.

Khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP OCB cho rằng, việc ngân hàng giảm lãi suất không chỉ để ủng hộ chủ trương của Chính phủ, mà việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp - nhất là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên - luôn là chủ trương của các ngân hàng. Thực tế, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thường xuyên giảm lãi suất và giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp.

Lãi suất năm 2020 có thể giảm thêm

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng đua lãi suất để “chạy” cho đủ vốn đáp ứng chuẩn Basel II. Tính đến thời điểm này, đã có 14 ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II, nên nhu cầu vốn đã hạ nhiệt.

Mặt khác, lãi suất huy động tăng thời gian qua chủ yếu do các ngân hàng nhỏ. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cảnh cáo các ngân hàng nhỏ tăng lãi suất, đồng thời hạ lãi suất điều hành vào tháng 9/2019 đã chính thức ngấm vào thị trường. Nhờ sự cộng hưởng, ủng hộ hạ lãi suất của một số ngân hàng thương mại lớn, chắc chắn, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay thời gian tới sẽ hạ nhiệt.

Về phía lãnh đạo ngân hàng, ông Nguyễn Đình Tùng cũng nhận định, hiện nay, thanh khoản trên thị trường rất dồi dào, tín dụng được NHNN kiểm soát chặt, huy động vốn vẫn tăng trưởng tốt, dòng vốn FDI đổ vào thị trường mạnh mẽ…, nên nhiều khả năng, mặt bằng lãi suất năm 2020 sẽ tiếp tục giảm, bao gồm cả lãi suất huy động và cho vay.

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP khác hé lộ, hiện nay, ngân hàng này đang dư thừa vốn, nhưng room tín dụng đã gần hết. Chính vậy, Ban lãnh đạo ngân hàng đang tính toán việc giảm thêm lãi suất cho vay với nhóm khách hàng ưu tiên.

“NHNN đã cảnh báo, các ngân hàng nếu không thể hạ lãi suất huy động và cho vay, thì cũng không dám tăng nữa, nếu không sẽ rất khó khăn trong việc cấp quota tín dụng năm 2020. Vì vậy, mặt bằng lãi suất thời gian tới sẽ còn giảm nữa”, vị lãnh đạo này cho biết.