Ngân hàng không thể “đùa” với rủi ro môi trường và xã hội
(Tài chính) Đó cũng chính là nội dung thông điệp được ông Cát Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra tại Hội thảo cấp cao “Quản lý rủi ro môi trường và xã hội” do Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính BTCI tổ chức tại Hà Nội ngày 14/5/2014.
Tác động không nhỏ của rủi ro môi trường, xã hội
Ngành ngân hàng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế thông qua hoạt động cho vay và quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Việc tăng cường quản lý rủi ro môi trường - xã hội là hoạt động cấp thiết giúp các ngân hàng hạn chế rủi ro, bảo toàn được nguồn vốn cho vay, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao uy tín tổ chức, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.
Tuy nhiên, ông Cát Quang Dương cho rằng, hiện nay số ngân hàng quan tâm và đưa vấn đề này vào thực hiện trong toàn bộ quá trình xem xét, đánh giá thẩm định cấp tín dụng đối với khách hàng rất ít. Còn lại, phần lớn các ngân hàng còn vẫn còn coi trọng mục tiêu lợi nhuận mà bỏ qua hoặc xem nhẹ công tác quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động kinh doanh ngân hàng mà đặc biệt là trong hoạt động cấp tín dụng.
Chính sự chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro trên của các ngân hàng đã làm nảy sinh nhiều thách thức với chính họ và nền kinh tế. Theo đó, hệ thống ngân hàng sẽ phải đối mặt với hàng loạt các rủi ro tác động tiêu cực tới thị phần hoạt động, cơ hội xâm nhập thị trường mới và khả năng tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước.
Thậm chí, các ngân hàng không thực hiện tốt công tác quản lý rủi ro môi trường và xã hội còn có thể phải đối mặt với tranh chấp pháp lý làm ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn của ngân hàng, dẫn đến suy giảm giá trị tài sản thế chấp. Không những thế, danh tiếng và uy tín của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng từ những vụ kiện tụng của người dân liên quan đến dự án của doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Những vấn đề nêu trên là hồi chuông cảnh tỉnh cho hệ thống ngân hàng - với vai quan trọng là dẫn vốn trong nền kinh tế phải tính đến yếu tố bền vững trong hoạt động quản trị rủi ro ngân hàng và hướng tới hệ thống ngân hàng xanh trong sự phát triển tổng thể của nền kinh tế xanh.
Góp phần vào phát triển kinh tế xanh
Cũng theo ông Cát Quang Dương, để phát triển kinh tế xanh, vai trò của hệ thống tài chính ngân hàng là không thể thiếu vì đây là một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Ngành ngân hàng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển thông qua hoạt động cho vay và đầu tư.
Bên cạnh đó, các ngân hàng còn là yếu tố tác động vào sự phát triển của nền kinh tế, góp phần vào việc bảo vệ môi trường và cộng đồng xã hội. Do đó, hướng tới phát triển ngành ngân hàng xanh là hướng tới một nền kinh tế xanh cho sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam.
Để thực hiện được điều đó, tất yếu các ngân hàng cần chú trọng thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội, phù hợp với các chiến lược quốc gia. Theo đó, các dự án đầu tư có nguồn vốn tín dụng ngân hàng tham gia sẽ được ràng buộc bởi những quy định về bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên, khuyến khích các ngân hàng phát triển, mở rộng cho vay các dự án thân thiện với môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.
Tại hội thảo, ông Cát Quang Dương cũng cho biết, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang hợp tác cùng Tập đoànTài chính quốc tế (IFC) nghiên cứu để ban hành hướng dẫn và bộ công cụ để đánh giá rủi ro môi trường, xã hội để các ngân hàng thương mại có thể áp dụng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu dự thảo các quy định và hướng dẫn liên quan nhằm xây dựng hướng dẫn này trong một thông tư của Ngân hàng nhà nước để quy định bắt buộc tất cả các ngân hàng áp dụng các nguyên tắc, chỉ tiêu, báo cáo về quản lý rủi ro môi trường, xã hội dự kiến ban hành vào tháng 6 tới đây.
Có thể nói, việc thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội là một việc làm cần thiết hiện nay, điều này không những giúp các tổ chức tín dụng ngày một phát triển mà còn góp phần hội nhập vào xu thế phát triển bền vững của toàn cầu, cụ thể:
Thứ nhất, giúp cải thiện đáng kể chất lượng toàn danh mục tín dụng nhờ: có thể xác định quản lý hiệu quả rủi ro môi trường và xã hội, kiểm soát tốt hơn rủi ro tín dụng và rủi ro tài sản đảm bảo của từng khoản vay do các vấn đề về môi trường và xã hội tạo nên;
Thứ hai, mở rộng thị phần nhờ sản phẩm/dịch vụ mới thân thiện với môi trường (tài trợ tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, các thị trường chưa khai thác ...), củng cố mạng lưới khách hàng hiện có và thu hút mới các khách hàng chất lượng tốt;
Thứ ba, cải thiện danh tiếng và giá trị thương hiệu của tổ chức nhờ giảm thiểu được rủi ro danh tiếng và rủi ro pháp lý nếu liên đới đến các dự án hay hoạt động không tuân thủ các quy định về môi trường và xã hội;
Thứ tư, thu hút nguồn vốn hay các tổ chức tài chính quốc tế cùng định hướng hỗ trợ các hoạt động về môi trường và xã hội.