Ngân hàng kỳ vọng “nới lỏng” tiêu chuẩn tín dụng cho vay vào lĩnh vực

Minh Vân

Các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng tiêu chuẩn tín dụng được “nới lỏng” đối với tất cả các nhóm khách hàng và hầu hết các lĩnh vực ngoại trừ 4 lĩnh vực liên quan đến bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; xây dựng dự kiến vẫn tiếp tục “thắt chặt” nhưng xu hướng “thắt chặt” thu hẹp hơn so với 6 tháng đầu năm 2024.

Theo dự báo của các TCTD, 6 tháng cuối năm nhu cầu tín dụng sẽ được cải thiện nhiều hơn, tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nhu cầu vay phục vụ đời sống và tiêu dùng. Ảnh: (minh họa, ngân hàng SeABank)
Theo dự báo của các TCTD, 6 tháng cuối năm nhu cầu tín dụng sẽ được cải thiện nhiều hơn, tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nhu cầu vay phục vụ đời sống và tiêu dùng. Ảnh: (minh họa, ngân hàng SeABank)

Kỳ vọng xu hướng “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng

Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các TCTD. Đối tượng khảo sát là toàn bộ các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, tỷ lệ trả lời đạt 96,5%.

Kết quả điều tra cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, các TCTD cho biết đã đáp ứng nhu cầu vay vốn tổng thể của khách hàng ở tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn so với 6 tháng cuối năm 2023. Tỷ lệ TCTD nhận định đáp ứng nhu cầu vay vốn ở mức cao (từ 75% trở lên) của nhóm 14 NHTM trọng yếu trong kỳ này tiếp tục là 100%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các TCTD nhận định giữ “ổn định” các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể đối với khách hàng doanh nghiệp và thắt chặt hơn đối với khách hàng cá nhân.

Các TCTD kỳ vọng, xu hướng “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng cuối năm sẽ nhiều hơn so với 6 tháng đầu năm. Theo đó, tiêu chuẩn tín dụng dự kiến “nới lỏng” đối với tất cả các nhóm khách hàng và hầu hết các lĩnh vực, ngoại trừ 4 lĩnh vực: “Cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản”, “Cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán”, “Cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” và “Xây dựng” dự kiến vẫn tiếp tục “thắt chặt” tiêu chuẩn tín dụng nhưng xu hướng “thắt chặt” thu hẹp hơn so với 6 tháng đầu năm 2024.

Nguyên nhân của xu hướng “nới lỏng” này theo nhận định của nhiều TCTD là do triển vọng kinh tế vĩ mô đang được ghi nhận khả quan và tác động tích cực của chính sách định hướng, quản lý phát triển các ngành kinh tế của Chính phủ cũng như hiệu ứng tích cực từ các chính sách tín dụng của NHNN.

Tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn vào 2 quý cuối năm

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 6, tín dụng nền kinh tế đạt gần 14.4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm trước.

Đối với nhu cầu vay vốn tín dụng, theo kết quả điều tra, 6 tháng cuối năm nhu cầu tín dụng sẽ được cải thiện nhiều hơn, tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nhu cầu vay phục vụ đời sống và tiêu dùng.

Trước đó, NHNN cũng đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II/2024 ở mức 5-6%. Như vậy, có thể thấy tín dụng tính đến cuối tháng 6 đã đạt mục tiêu đề ra.

Theo các chuyên gia, nhu cầu vay vốn trong nửa cuối năm sẽ tăng tốc nhờ kinh tế vĩ mô hồi phục. Trong báo cáo mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu cho vay và nền kinh tế phục hồi. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm dự báo ở mức 12%-13%.

VCBS cho rằng, những động lực cho tăng trưởng tín dụng là hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm và có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn từ nửa cuối 2024. Từ đó kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cho vay mua nhà.

Các chuyên gia cũng dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm, chắc chắn sẽ cao hơn nửa đầu năm. Nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15% sẽ còn nhiều khó khăn.

Về phía NHNN, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ yêu cầu các NHTM rà soát và báo cáo lại khả năng tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm để cơ quan này phân bổ phù hợp, nếu ngân hàng nào cố tình “ôm” room tín dụng nhưng không thể tăng trưởng thì sẽ bị xem xét khi cấp room tín dụng năm tới.