Ngân hàng Nhà nước bơm trả lại hệ thống gần 100.000 tỷ đồng trong 3 tuần tới

Tuấn Thủy

Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phát sinh thêm giao dịch tín phiếu mới, toàn bộ khối lượng tín phiếu đang lưu hành sẽ đáo hạn hết trong tuần đầu của tháng 12/2023, tương đương với việc NHNN sẽ bơm trả lại hệ thống gần 100.000 tỷ đồng trong vòng 3 tuần tới.

Tuần qua (13/11-17/11), kênh nghiệp vụ thị trường mở không thực hiện giao dịch mới nào. Với 55.900 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, tổng khối lượng tín phiếu đang lưu hành trên thị trường giảm mạnh về mức 98.759 tỷ đồng. 

Toàn bộ khối lượng tín phiếu đang lưu hành sẽ hết hạn vào tuần đầu của tháng 12 tới. Nếu như NHNN không phát hành thêm tín phiếu, trong vòng 3 tuần tới, khối lượng tiền được bơm trả lại hệ thống ngân hàng sẽ lên tới con số gần 100 nghìn tỷ đồng. Điều này sẽ khiến thanh khoản ngân hàng vốn đang rất “dồi dào” thêm dư thừa nếu ngân hàng không đẩy mạnh cho vay, có thể tác động tới lãi suất.

Về lãi suất, trên thị trường 2 (liên ngân hàng), lãi suất kỳ hạn qua đêm tiếp tục hạ nhiệt và kết tuần ở mức 0,3% - giảm 40 điểm cơ bản so với tuần trước đó và về lại mức tương đương thời điểm đầu tháng 9, trước khi NHNN thực hiện nghiệp vụ phát hành tín phiếu. Chênh lệch giữa lãi suất VND-USD kỳ hạn qua đêm đã nới rộng lên mức -480 điểm cơ bản.

Tại thị trường 1, bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng quốc doanh duy trì ở mức 5,2%/năm, trong khi các ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ giảm 0,1% xuống 5,4%/năm.

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng (%). Nguồn: NHNN; SSI
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng (%). Nguồn: NHNN; SSI

Đáng chú ý, BIDV tăng lãi suất tại kênh tiền gửi online, với mức tăng 0,3 điểm % tại kỳ hạn 6-11 tháng và 0,2 điểm % tại kỳ hạn 12-36 tháng. Việc bất ngờ tăng lãi suất huy động của BIDV có thể do Tỷ lệ dự nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) tại cuối quý III/2023 khá cao (ở mức 84,8% với ngưỡng trần quy định là 85%) trong khi nhu cầu tín dụng có thể tăng vào cuối năm, khiến cho nhà băng này tăng lãi suất để huy động thêm vốn.

Trong Hội nghị tín dụng đối với bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội, đại diện NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến cuối tháng 10/2023 đạt 7,4% so với cuối năm 2022, tương đương với mức tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ.

Trong đó, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối 2023, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng (giảm 1,1%) chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS (tăng 21,8%) chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.