Ngân hàng Nhà nước: Chỉ niêm phong vàng khi có chứng cứ vi phạm

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định cửa hàng Hoàng Mai không thuộc danh sách được kinh doanh vàng miếng và ngoại tệ, song cơ quan chức năng chỉ có thể niêm phong nếu có bằng chứng giao dịch trái phép.

Tiệm vàng Hoàng Mai. Nguồn: internet
Tiệm vàng Hoàng Mai. Nguồn: internet
Công an Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) cho biết đã giải toả gần 560 lượng vàng của tiệm Hoàng Mai sau khi chủ tiệm chứng minh được đó là tài sản gia đình. Suốt 3 ngày qua, dư luận không khỏi thắc mắc lý do nào khiến Hoàng Mai bị niêm phong toàn bộ số vàng miếng đang có trong tiệm cùng nhiều ngoại tệ, sau khi có thông tin một khách hàng vào đổi 100 USD. Giả thiết được đặt ra là có thể cơ quan chức năng nghi ngờ tiệm này vi phạm quy định về thu đổi ngoại tệ hoặc kinh doanh vàng miếng.

Về câu chuyện quản lý kinh doanh vàng, ngoại tệ trên địa bàn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, tất cả các điểm kinh doanh vàng nhỏ lẻ không được cấp phép phải ngưng mua bán vàng miếng.

Trong công tác phối hợp liên ngành kiểm tra giám sát hoạt động này, hàng tháng Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ cung cấp danh sách các điểm được phép kinh doanh vàng và ngoại tệ về cho các địa bàn quận huyện. Căn cứ vào đó, cơ quan công an địa phương sẽ tiến hành kiểm tra, nếu nơi nào vi phạm thì bị xử lý. Với những đơn vị được cấp phép mà vi phạm trong hoạt động kinh doanh mua bán ngoại tệ, cơ quan công an sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý.

Với tiệm vàng Hoàng Mai, ông Minh cho biết đơn vị này không nằm trong danh sách được cấp phép kinh doanh vàng miếng, ngoại tệ nên không thuộc thẩm quyền xử lý của Ngân hàng Nhà nước. “Cơ quan công an tự xử lý sự việc và khi có kết quả cuối cùng mới gửi qua cho chúng tôi”, ông Minh nói.

Phân tích về diễn biến tại tiệm vàng Hoàng Mai, ông Minh cho rằng, nếu thực sự có giao dịch mua bán 100 USD giữa tiệm vàng này và khách hàng thì Hoàng Mai đã vi phạm luật khi không được cấp phép thu đổi ngoại tệ mà vẫn thực hiện. Việc xử phạt sẽ áp dụng theo Nghị định 95 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Ông Minh cũng nói thêm, nếu vụ việc chỉ liên quan đến buôn bán ngoại tệ thì theo quy định, công an chỉ được niêm phong và tịch thu số ngoại tệ liên quan (tang chứng) và không được niêm phong vàng, trừ trường hợp bắt quả tang giao dịch vàng miếng hoặc có chứng cứ chứng minh tiệm vàng Hoàng Mai vi phạm như biên nhận của khách hàng hoặc người nào đó của tiệm cung cấp…

Theo tinh thần Nghị định 24, từ ngày 10/1/2013, gần 2.500 điểm kinh doanh vàng miếng trên cả nước thuộc 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép bắt đầu đi vào hoạt động, thay thế hàng chục nghìn cửa hàng vàng miếng trước đây. Và từ ngày 14/2/2014, khi mua bán vàng có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên, người dân phải để lại thông tin cá nhân, trong đó có số chứng minh thư, địa chỉ cư trú…

Tuy nhiên, nếu không có những bằng chứng nói trên, cơ quan chức năng không thể kết luận doanh nghiệp buôn bán vàng miếng trái phép. Bởi theo ông Minh, khi chưa có Nghị định 24, người dân mua bán vàng miếng thường không lấy hoá đơn, chứng từ. Nhiều người dân còn nắm giữ lượng lớn vàng từ xa xưa để lại nên khó biết rõ nguồn gốc.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định nhà nước không cấm người dân giữ vàng miếng. Nếu cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được nguồn gốc số vàng đó là do vi phạm pháp luật mà có (hoặc đó là vàng giả…) thì không được quyền niêm phong, dù số vàng đó có hoá đơn chứng từ hay không.