Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ bỏ “room tín dụng”
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xem xét lộ trình dỡ bỏ quy định hạn mức cho vay đối với mỗi ngân hàng (room tín dụng) theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN đang nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng room tín dụng theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.
Hiện NHNN đang thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đơn vị đồng thời tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm cho tổ chức tín dụng đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng.
Thực tế cho thấy, trong 3 quý của năm 2024, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng có sự phân hóa rất mạnh, room tín dụng nơi thừa, chỗ thiếu.
Có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi tốc độ tăng trung bình toàn hệ thống, cụ thể tín dụng tính đến ngày 17/9 tăng 7,38%. Tốc độ tăng trưởng này phụ thuộc rất lớn vào nền tảng tài chính lành mạnh, vốn dồi dào, kiểm soát được nợ xấu, hệ sinh thái và tệp khách hàng đa dạng, có lợi thế cho vay bất động sản… của các ngân hàng.
Trong khi đó, vẫn có nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng chậm, thậm chí tăng trưởng âm. Đây là nhóm các ngân hàng có chất lượng tài sản xấu, thanh khoản kém dồi dào, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường lớn, lãi suất cho vay kém cạnh tranh…, dù có được cấp hạn mức cao, cũng không thể tăng trưởng tín dụng.
Trước tình trạng một số ngân hàng sử dụng gần hết room tăng trưởng tín dụng đã được phân bổ từ đầu năm, NHNN đã có văn bản thông báo, từ ngày 28/8, các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ.
Các chuyên gia tài chính nhận định rằng, việc dỡ bỏ room tín dụng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại. Khi không còn bị hạn chế bởi các chỉ tiêu tín dụng cứng nhắc, các ngân hàng sẽ có cơ hội tự chủ hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh và chiến lược cho vay. Điều này cho phép họ linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu vốn từ doanh nghiệp và cá nhân.
Hơn nữa, NHNN có thể sử dụng các công cụ như dự trữ bắt buộc để kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng, qua đó giảm thiểu nguy cơ xảy ra tình trạng tăng trưởng nóng, đảm bảo tính ổn định cho thị trường tài chính.