Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành
Áp lực tỷ giá không còn nguy hiểm, kinh tế Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi, cộng thêm sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa và xu hướng dừng tăng lãi suất trên toàn cầu chính là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hạ lãi suất.
Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 diễn ra ngày 8/8/2023, TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế Tài chính – Ngân hàng cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay còn cao. Nhiều khách hàng đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm cho dù NHNN đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.
Một trong những nguyên nhân khiến lãi suất cho vay neo cao là các ngân hàng đang lo ngại về biến động tỷ giá. Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định, áp lực tỷ giá của Việt Nam hiện không còn. Chỉ số đồng USD (DXY) khó có thể tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay.
“Chỉ số DXY đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm ở thời điểm hiện tại và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Cán cân thanh toán của Việt Nam đã không còn thâm hụt. 6 tháng đầu năm và đặc biệt trong tháng 7/2023, thặng dư thương mại lớn, góp phần bổ sung cán cân thanh toán quốc tế khá tích cực.
Những nguyên nhân trên cho thấy, áp lực tỷ giá không còn nguy hiểm đối với Việt Nam. Vì vậy, NHNN có thể mua thêm ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Dự báo, tỷ giá năm 2023-2024 sẽ tiếp tục được duy trì ổn định.
“Với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.
Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa dưới sự điều phối mạnh mẽ và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đóng vai trò lớn trong việc kiểm soát lạm phát thành công tại Việt Nam.
Theo đó, chính sách tiền tệ chủ yếu tập trung vào ổn định tiền tệ, tăng trưởng kinh tế, tạo cân bằng cán cân thanh toán, thì chính sách tài khóa tác động lên định hướng phát triển của nền kinh tế thông qua những thay đổi trong chi tiêu của Chính phủ và thuế khóa. Đặc biệt, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là một trong những biện pháp quan trọng giúp cho các doanh nghiệp khắc phục được một phần biến động giá hàng nhập khẩu, góp phần làm giảm lạm phát chi phí đẩy từ bên ngoài vào.
Theo phân tích của TS. Lê Xuân Nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi theo mô hình chữ U và hiện đang ở đoạn cuối của đáy phục hồi. Dự báo, từ quý IV/2023 trở đi, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhẹ.
“Khả năng Việt Nam phục hồi vào năm 2024 rõ nét hơn là chắc chắn”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Ở bối cảnh thế giới, xu hướng chung của các ngân hàng trung ương là giảm bớt siết chặt chính sách tiền tệ. Dự báo, Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay và điều chỉnh giảm lãi suất từ cuối năm 2024. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán.
“Với những thuận lợi về tỷ giá, lạm phát được kiểm soát, kết hợp với chính sách tài khóa và bối cảnh tích cực hơn bên ngoài, đây chính là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.