Doanh nghiệp vẫn "than đói" vốn trước làn sóng hạ lãi suất


Làn sóng giảm lãi suất huy động tiếp tục lan rộng trong các ngân hàng thương mại theo đúng chỉ đạo nhằm tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn "than đói" do khó tiếp cận vốn.

Làn sóng giảm lãi suất huy động tiếp tục lan rộng trong các ngân hàng thương mại theo đúng chỉ đạo nhằm tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi kinh tế.  (Ảnh minh họa)
Làn sóng giảm lãi suất huy động tiếp tục lan rộng trong các ngân hàng thương mại theo đúng chỉ đạo nhằm tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi kinh tế. (Ảnh minh họa)

Làn sóng hạ lãi suất

Ngày 19/5, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tiếp tục công bố giảm lãi suất huy động. Đây là lần giảm lãi suất huy động thứ hai liên tiếp của VPBank từ đầu tháng 5.

Theo đó, lãi suất huy động online đối với các khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng, kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0,6% còn 5,4%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 7 tháng giảm 0,2% còn 7,7%/năm; kỳ hạn 8-9 tháng cũng giảm 0,2% xuống còn 7,9%/năm.

Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 10 - 13 tháng giảm 7,7%/năm so với mức cũ 7,9%/năm. Các kỳ hạn tiền gửi từ 15 tháng trở lên hiện chỉ còn được niêm yết 6,9%/năm, cũng giảm 0,2% so với trước đó.

Như vậy, một loạt các ngân hàng tham gia giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 5 gồm: OCB, Eximbank, MSB, VPBank, TPBank, Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV, KienLongBank, NamA Bank, NCB, Saigonbank, PVCombank, VietBank, HDBank, OceanBank, Sacombank, Techcombank, BacA Bank.

Các ngân hàng 2 lần giảm lãi suất trong vòng nửa tháng qua là NCB, VietBank, Eximbank và VPBank.

Theo báo cáo vĩ mô tháng 4/2023 của Công ty chứng khoán Bảo Việt cũng cho thấy, so với cuối năm 2022, tính tới ngày 5/5/2023, đồng VND đã tăng 0,78% so với đồng USD.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tháng 5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cho biết, nhiều khả năng Fed sẽ dừng lại việc tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao như hiện tại, cho tới khi lạm phát được kiểm soát về ngưỡng dưới 2%.

Động thái này cùng những khó khăn của nền kinh tế Mỹ đã tiếp tục khiến chỉ số DXY (chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD có diễn biến giảm), khi các ngân hàng trung ương lớn khác như ECB, BoE vẫn còn kế hoạch tăng lãi suất. Việc chỉ số DXY yếu đi sẽ giúp giảm áp lực đối với tỷ giá của Việt Nam trong năm 2023 này.

Cũng theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt, áp lực từ đồng USD giảm bớt trong khi cán cân thương mại tiếp tục duy trì thặng dư, là những yếu tố sẽ giúp cho đồng VND có diễn biến ổn định hơn trong năm nay.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, dù các ngân hàng thương mại thông báo hạ lãi suất, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận, đây đang là một vấn đề nhức nhối.

Sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp hiện còn rất yếu. Do đó, việc ban hành chính sách đã rất rõ ràng, thì các tổ chức tín dụng cần nghiêm túc thực hiện, không để xuất hiện độ trễ là cần thiết”, bà Kim Chi đề nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lên - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hưng Phát Thành thông tin, doanh nghiệp đang là khách hàng của 4 ngân hàng thương mại, nhưng chưa nhận được động thái giảm lãi vay từ các ngân hàng này.

Do đó, Hưng Phát Thành đang cố gắng đàm phán với ngân hàng mới với mức lãi vay 7,5%/năm để giảm áp lực cho hoạt động sản xuất nhựa, bao bì và chế biến cao su của nhà máy.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Tổng Giám đốc Công ty New Star Paper chia sẻ: “Chúng tôi đang làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và vay vốn với mức lãi suất 9%/năm. Tuy nhiên, với thực trạng kinh tế khó khăn, đơn hàng chậm, khó cạnh tranh…, nên doanh nghiệp kiến nghị được giảm lãi suất cho vay, giảm thuế để vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Tín dụng thông thường thì như vậy, gói tín dụng ưu đãi lãi suất 2% cũng không khả quan hơn, bởi đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp “ngại” tiếp cận, do phải làm việc với các cơ quan chức năng để đảm bảo các thông tin, thủ tục đúng quy định để không xảy ra trường hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và bồi hoàn lại ngân sách.

Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đến ngày 31/3, toàn tỉnh Đồng Nai chỉ có 59 doanh nghiệp tiếp cận gói ưu đãi 2% lãi suất, với lượng vay tổng cộng hơn 1.400 tỷ đồng.

Có thể thấy, tâm lý thận trọng của ngân hàng và doanh nghiệp đang là những rào cản khiến gói hỗ trợ này không được kỳ vọng như ban đầu.

Theo Hà Lan/kinhtemoitruong.vn