Vốn ngoại “chảy” mạnh vào ngân hàng Việt
Các tổ chức nước ngoài đang đẩy mạnh việc mua cổ phần của ngân hàng gốc quốc doanh để thâm nhập nhanh chóng vào thị trường tài chính còn rất “màu mỡ” tại Việt Nam. Họ, những cổ đông lớn mang lại hiệu ứng tốt hơn cho thương hiệu ngân hàng, hỗ trợ quản trị, định hướng kinh doanh.…
Hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, thu hút thêm nguồn lực bên ngoài để duy trì, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh “hậu” tái cơ cấu. Tuy nhiên, trong ba năm gần đây, số ngân hàng đã “kết duyên” với đối tác nước ngoài, có tiềm lực mạnh, hay bán được vốn với giá cao vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thời điểm mua cổ phần giá rẻ
Mới đây, thị trường tài chính xôn xao khi ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bất ngờ công bố về thương vụ bán 7,73% cổ phần cho Quỹ đầu tư Singapore – GIC Pte. Hiện, Vietcombank có vốn điều lệ hơn 26.650 tỷ đồng và đứng thứ 4 hệ thống ngân hàng về quy mô vốn.
Ngày 29/8, GIC và Vietcombank đã ký kết một thoả thuận ghi nhớ sẽ mua 305,8 triệu cổ phần ngân hàng trên tổng số 359,8 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ. Với mức giá mua dưới 400 triệu USD (tương đương khoảng 8.800 tỷ đồng), GIC dự tính sẽ trả giá cổ phiếu VCB ở mức 29.130 đồng/CP.
Sau thông tin GIC mạnh tay đầu tư vào Vietcombank, cổ phiếu VCB đã bật tăng lên 57.500 đồng/CP. Tuy vậy, từ ngày 30/8 đến nay, VCB đã giảm mạnh 4 phiên liên tiếp tổng cộng 7.000 đồng/CP, xuống mức hiện tại 50.500 đồng/CP. Có thể thấy, mức giá mà GIC dự kiến mua cổ phiếu VCB chỉ bằng 57% thị giá cổ phiếu hiện tại, phải chăng là sự “ưu ái” dành cho đối tác ngoại?
Đến thời điểm này, giao dịch bán cổ phần cho GIC vẫn đang trong quá trình xin ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, đàm phám thêm. Song, dự kiến giao dịch này sẽ hoàn tất trước quý IV/2016 và sẽ là thương vụ bán cổ phần lớn nhất trong ngành ngân hàng năm nay.
Với sự tăng trưởng ổn định về quy mô, mạng lưới, lợi nhuận trong vài năm gần đây, tình hình tài chính lành mạnh, nợ xấu “đẹp”, Vietcombank đã và đang lọt vào “mắt xanh” của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Sức hấp hẫn đến từ mức “room” sở hữu vẫn còn rất lớn dành cho nhà đầu tư.
Hiện tại, Vietcombank vẫn còn 77,11% sở hữu nhà nước – do ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đại diện phần vốn nhà nước. Cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. Ltd (Nhật Bản) hiện nắm giữ 15% vốn điều lệ, tương ứng 399,75 triệu cổ phần. Còn lại 7,89% cổ phần nằm trong tay các cổ đông nhỏ lẻ khác.
Được biết, sau khi ký kết thoả thuận với GIC, lãnh đạo Vietcombank cũng tiết lộ kế hoạch để ngân hàng Mizuho Financial Group Inc. (Nhật Bản) mua cổ phiếu phát hành thêm nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu 15% tại Vietcombank.
Hơn nữa, Vietcombank làm yên lòng nhà đầu tư với kết quả kinh doanh tốt hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Vietcombank ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với tín dụng tăng trưởng cao tới 10,76%, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, xử lý được 2.411 tỷ đồng nợ xấu… Lợi nhuận trước thuế 6 tháng qua đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong giai đoạn 2011-2015, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có những cuộc xúc tiến đàm phán mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam thông qua con đường chính thống và “tiểu ngạch”.
Thận trọng bán vốn
Còn nhớ, GPBank cũng từng công bố về thương vụ bán 100% cổ phần cho ngân hàng đến từ Singapore, song quá trình đàm phán kéo dài quá lâu mà không đi đến kết quả. Đầu năm 2015, GPBank đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng, tiến hành quốc hữu hoá để tái cơ cấu.
Dù vậy, ý tưởng bán cổ phần cho nước ngoài vẫn “âm ỉ cháy” ở những ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, cần sự trợ giúp của nguồn lực bên ngoài để tái cơ cấu.
Nhiều ngân hàng đã nhanh chóng “kết duyên” với đối tác ngoại, đơn cử: Vietcombank bán 15% cổ phần cho ngân hàng Mizuho Bank, Vietinbank bán 20% cổ phần cho ngân hàng Nhật là Bank of Tokyo-Misubishi UFJ với giá trị thương vụ “khủng” lên tới 743 triệu USD. Eximbank đã bán được 15% cổ phần cho đối tác Sumitomo Mitsui Banking Corporation, bán 4,97% vốn cho Vina Capital. Còn ngân hàng ACB đã bán cho Quỹ đầu tư Dragon Capital 7,13% cổ phần…
Tuy nhiên, khi hệ thống ngân hàng phải “đại phẫu”, việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài trở nên khó khăn hơn nhiều. Những yếu kém, sai phạm, quản trị lỏng lẻo, nợ xấu lớn… của các ngân hàng bộc lộ ngày càng đáng ngại khiến các nhà đầu tư nước ngoài cũng e ngại, chùn tay.
Ngân hàng Nhà nước vẫn để mở cơ hội cho phép ngân hàng tự tìm kiếm, lựa chọn đối tác để bán cổ phần, nhưng phương án bán cổ phần, giá bán… cần phải có sự đồng thuận của cổ đông và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Chủ tịch một ngân hàng quy mô vốn 3.000 tỷ đồng từng tiết lộ rằng ngân hàng này đã tiếp xúc với “vài đối tác nước ngoài ngỏ ý muốn mua 50%-100% vốn ngân hàng, nhưng vẫn chưa được chấp thuận”. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn nhiều yếu kém, sai phạm trong hoạt động điều hành khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng chưa cho phép tự bán vốn.
Sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc bán cổ phần ngân hàng cho nước ngoài được đặt trong bối cảnh hệ thống vẫn chịu áp lực tái cơ cấu, lành mạnh tài chính hơn, xử lý tồn tại, yếu kém.