Ngân hàng quên chuyện lợi nhuận

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Vài năm trở lại đây, câu chuyện lợi nhuận không còn là mục tiêu của giới ngân hàng nữa vì rủi ro quá lớn, khách hàng thì bấp bênh. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay của họ là nợ xấu và làm thế nào tìm được khách hàng tốt để giải ngân.

Ngân hàng quên chuyện lợi nhuận
Các ngân hàng hiện đang đau đầu với nợ xấu. Nguồn: internet

Lâu rồi, thị trường ít nhận được tin về lợi nhuận quý, nửa năm từ các ngân hàng mà từ các kênh khác. Chỉ những ngân hàng nào có kết quả lợi nhuận kinh doanh tốt, mới có thông tin phát đi. Sacombank là một trường hợp hiếm hoi trong nửa đầu năm 2013.

Vắng tin... lợi nhuận

Mới đây, Sacombank đã có tin phát đi về lợi nhuận 6 tháng đầu năm. Theo đó, tính đến hết ngày 30/6, Sacombank đạt 1.448 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương gần 52% kế hoạch đề ra cho cả năm.

Có được kết quả này, có lẽ là nhờ tăng trưởng tín dụng tốt. Sau 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đã đạt 11%. Đây là kết quả khả quan trong điều kiện kinh tế chưa thực sự khởi sắc. Nếu duy trì được mức thu nhập này, mục tiêu lợi nhuận 2.800 tỷ đồng năm nay của Sacombank là khả thi. Con số trên là chỉ tiêu đăng ký, còn mục tiêu phấn đấu của Sacombank năm nay là đạt trên 3.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Khác với Sacombank, thông tin lợi nhuận của Vietcombank "bị rò" trước khi ngân hàng này có báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, bởi một công ty con của mình là Công ty chứng khoán (CTCK) Vietcombank (VCBS). VCBS cho biết, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 2.600 tỷ đồng, hoàn thành 45% kế hoạch năm (5.800 tỷ đồng).

Lợi nhuận thấp có lẽ phần lớn là do tín dụng của Vietcombank tăng trưởng âm 1,1% trong 6 tháng đầu năm 2013. Theo VCBS, nguyên nhân là do một số khách hàng lớn đáo hạn các khoản vay USD và khiến dư nợ cho vay USD giảm mạnh, tuy nhiên cho vay thể nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa của VCBS vẫn tăng trưởng 4% và 2,3%.

Theo dự báo của VCBS, nếu trong 2 quý tới không xảy ra hiện tượng khách hàng lớn đáo hạn các khoản vay như đã xảy ra trong quý II, tín dụng của Vietcombank sẽ được cải thiện và tăng trưởng dương. Tuy nhiên, VCBS vẫn đưa ra kịch bản thận trọng và dự báo Vietcombank đạt 5.510 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2013, hoàn thành 95% kế hoạch năm.

Đau đầu vì nợ xấu

Bên cạnh việc lợi nhuận sụt giảm vì khó tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng hiện đang đau đầu với nợ xấu. Do chưa xử lý được nợ xấu, nên số tiền trích lập dự phòng đã ăn mòn lợi nhuận của ngân hàng.

Chưa có thông tin về lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Vietinbank, nhưng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2013 của ngân hàng này thì so với cùng kỳ 2012, lãi trước thuế chỉ đạt gần 1.400 tỷ đồng, giảm 32% do phải trích lập dự phòng gần một nửa lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Sau khi trừ thuế, Vietinbank lãi hơn 1.000 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ đồng so với kết quả đạt được của quý I/2012. Trong khi, Vietinbank dự kiến lãi 8.600 tỷ đồng năm 2013.

Theo nhận định của CTCK Bản Việt (VDSC), kết quả kinh doanh quý I/2013 của Vietinbank khá thất vọng. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng giảm 32% do chi phí dự phòng tăng mạnh 59%. Tỷ lệ nợ xấu là 1,7% trong quý I/2013.

CTCK TP. Hồ Chí Minh cũng vừa đưa ra thông tin về lợi nhuận của Eximbank. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 750 tỷ đồng (giảm 60% so với cùng kỳ), hoàn thành 23% kế hoạch cả năm.

"Kết quả kinh doanh kém khả quan này là do tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) giảm mạnh, tăng trưởng tín dụng thấp và tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập tăng", ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành, phụ trách nghiên cứu CTCK TP. Hồ Chí Minh (HSC) nhận định.

Theo ông Mac Cana, thu nhập lãi thuần của Eximbank giảm 43% so với cùng kỳ dựa trên ước tính của tỷ lệ NIM giảm xuống 2,23% từ 3,17% trong năm 2012. Chi phí huy động tăng mạnh do ngân hàng phải tất toán vốn huy động bằng vàng có chi phí huy động thấp và thay thế bằng vốn huy động tiền đồng có chi phí cao hơn nhiều. Riêng điều này đã khiến tỷ lệ NIM giảm 0,28%.

Ông Mac Cana còn cho rằng kết quả kinh doanh kém của Eximbank không phải đến từ tín dụng, vì lãi thuần hoạt động dịch vụ không thay đổi nhiều. Lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối không nhiều vì ngân hàng có thể đã lỗ khi tất toán trạng thái vàng vật chất (khoản lỗ từ vàng được bù đắp bởi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại hối).

"Trong 6 tháng cuối năm, thu nhập lãi thuần sẽ cải thiện nhờ tăng trưởng tín dụng cao hơn. Trong năm 2013, HSC dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15% và tăng trưởng huy động đạt 20%", ông Mac Cana kỳ vọng.

Tuy nhiên, theo dự báo của HSC, năm 2013, lợi nhuận của Eximbank chỉ đạt 1.135 tỷ đồng (giảm 60,2%), do chi phí hoạt động tăng lên vì phải trích lập dự phòng. So với các ngân hàng thương mại cổ phần khác, cơ cấu cổ đông của Eximbank đa dạng hơn. Eximbank đang đưa vào hoạt động mảng ngân hàng bán lẻ nhưng mảng này sẽ mất vài năm để có thu được lợi nhuận. Trong khi đó, ngân hàng đã không còn lợi thế chi phí huy động thấp; theo đó sẽ làm ảnh hưởng đến tỷ lệ NIM và thu nhập lãi thuần năm 2014.

Hiện lợi nhuận biên của các ngân hàng bị co hẹp đáng kể do mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp. Gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Đồng Tiến, cũng thừa nhận việc giảm mạnh lãi suất cho vay khiến thu nhập của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng đáng kể, nhiều đơn vị không còn lãi. "Chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra nếu chưa thực hiện dự phòng chỉ còn 3%, trong khi đã thực hiện dự phòng chỉ 1,93%", Phó Thống đốc nói.