Ngân hàng ròng rã... 'vá lỗ'
(Tài chính) Đã nhiều tháng qua, nhiều ngân hàng thương mại vẫn chưa thể “vá lỗ” xong. Đến nay tổng quy mô vốn tự có so với vốn điều lệ của nhóm ngân hàng cổ phần cuối quý 2/2013 là -2.447 tỷ đồng vẫn chưa biết rơi vào những ngân hàng nào?
Năm 2013 đã bước vào quý cuối cùng. Quỹ thời gian còn lại của năm quá eo hẹp trước mức lỗ vẫn lớn trong hệ thống các ngân hàng thương mại. Tình thế vẫn khó xoay chuyển, có thể sẽ nối tiếp sang năm 2014.
Áo che thân đã sờn…
2013 cũng là năm đầu tiên kể từ thời hoàng kim 2006 - 2007 (thời ồ ạt chuyển đổi ngân hàng nông thôn lên đô thị và thành lập ngân hàng mới), tình trạng thua lỗ mới xuất hiện với quy mô khá lớn và kéo dài như vậy.
Tình trạng này thể hiện rõ ở sự sụt giảm mạnh và kéo dài của quy mô vốn tự có, rõ hơn khi nó giảm xuống dưới cả quy mô vốn điều lệ. Khó khăn tập trung ở khối ngân hàng thương mại cổ phần (nhóm mà Nhà nước không nắm tỷ lệ sở hữu chi phối).
Quy mô vốn tự có và vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại cổ phần qua các tháng từ đầu năm 2013 (đơn vị: tỷ đồng). Nguồn: Internet
|
Tháng 12/2012, “màu hồng” vẫn bao bọc ở khối ngân hàng cổ phần khi quy mô vốn tự có tăng trưởng khá cao, tăng 6,34% so với cuối năm 2011 và cao hơn quy mô vốn điều lệ; tương ứng 183.139 tỷ đồng so với 177.624 tỷ đồng. Hiểu đơn giản, nhóm này không những bảo toàn vốn trong kinh doanh mà "của ăn của để" còn dày lên trông thấy.
Nhưng, cân đối trên đảo chiều một cách quá chóng vánh ngay khi bước vào năm 2013. Tháng 1/2013, vốn tự có của khối ngân hàng cổ phần sụt giảm kỷ lục với -8,93%, chỉ còn 166.794 tỷ đồng. Sự kiện này đã từng gây sửng sốt giới quan sát thời điểm đó. Thông thường, vốn tự có giảm do ngân hàng giải ngân, sử dụng quỹ và ảnh hưởng lớn nhất thương thấy là để trả cổ tức. Song mức chi trả không thể dẫn tới sự sụt giảm quá mạnh như vậy, đặc biệt là khi tổng quy mô vốn tự có lần đầu tiên sau nhiều năm rơi xuống thấp hơn tổng quy mô vốn điều lệ. Cụ thể, chỉ còn 166.794 tỷ đồng so với 177.624 tỷ đồng.
Tháng 12/2012, “màu hồng” vẫn bao bọc ở khối ngân hàng cổ phần khi quy mô vốn tự có tăng trưởng khá cao, tăng 6,34% so với cuối năm 2011 và cao hơn quy mô vốn điều lệ - tương ứng 183.139 tỷ đồng so với 177.624 tỷ đồng.
Nhưng bước sang tháng 1/2013, vốn tự có của khối ngân hàng cổ phần bỗng nhiên sụt giảm kỷ lục với -8,93%, chỉ còn 166.794 tỷ đồng. Sự kiện này đã từng gây sửng sốt giới quan sát thời điểm đó.
Từ đó, ròng rã 8 tháng liên tiếp, tình trạng tổng quy mô vốn tự có của khối ngân hàng cổ phần thấp hơn tổng vốn điều lệ kéo dài. Số liệu cập nhật gần nhất, đến 30/8/2013, cân đối nay vẫn là 177.898 tỷ đồng so với 180.533 tỷ đồng. Hàng nghìn tỷ đồng lỗ vẫn đang nhức nhối ở đâu đó và chưa thể “vá” kín.
Nói một cách hình ảnh, vốn tự có (bao gồm vốn điều lệ) là một tấm áo che thân của các ngân hàng. Nó được xem là sự che chắn cuối cùng trước những rủi ro, cũng như năng lực bảo vệ khách hàng nếu có tình huống xấu xẩy ra. Nhưng, 8 tháng qua, chiếc áo đó đã sờn, thậm chí “rách” cả vào vốn điều lệ.
Cũng lưu ý rằng, thông lệ hàng năm các ngân hàng đều thực hiện trích 10% lợi nhuận cho quỹ dự phòng tài chính, giữ một phần nhất định lợi nhuận chưa chia để phòng thân, củng cố cho năng lực của vốn tự có. Với thực trạng trên, hẳn một số ngân hàng thương mại đã không còn lực để phòng thân với những nguồn đó…
Góc khuất thua lỗ
Kinh doanh, thua lỗ là bình thường. Nhưng với hệ thống ngân hàng là không bình thường. Bởi đây được xem là mạch máu dẫn vốn cho nền kinh tế, một khi nó bị suy yếu và phải một phần phải “vá víu” như trên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cơ thể.
Thế nhưng, với số đông, mức độ lỗ cụ thể bao nhiêu, có ở những ngân hàng nào, những nguyên nhân cụ thể… cho đến gần một năm thực trạng đã bộc lộ mà vẫn chưa rõ.
Cuối tuần qua, thị trường có tin Ngân hàng Nam Việt (Navibank) lên kế hoạch xin ý kiến cổ đông hủy niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Đây cũng là thành viên đầu tiên, duy nhất công khai lỗ trong quý 2 vừa qua. Mức lỗ theo báo cáo của Navibank chỉ hơn 11 tỷ đồng. Vậy, tính đơn thuần theo con số tổng quy mô vốn tự có so với vốn điều lệ của nhóm ngân hàng cổ phần cuối quý 2/2013 là -2.447 tỷ đồng rơi vào những ngân hàng nào? Không có câu trả lời công bố chính thức.
Ở một vấn đề khác có thể tham khảo: mới đây, trong văn bản trả lời ý kiến cử tri vì sao không nêu tên những ngân hàng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước giải thích rằng, do đặc thù lĩnh vực nhạy cảm, có tính hệ thống cao tác động mạnh đến ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh, trật tự xã hội nên đối với những thông tin nhạy cảm, nên cần cân nhắc rất thận trọng khi công bố thông tin. Việc công khi ngân hàng lỗ có lẽ cũng nằm trong tình huống này?
Câu hỏi đó còn để ngỏ. Còn tình hình chung, dù ròng rã suốt 8 tháng qua (tính đến tháng 8/2013), mức độ lỗ của khối ngân hàng thương mại cổ phần nói trên cũng đã có sự dịu bớt.
Cụ thể, so với cuối năm 2012, mức sụt giảm của vốn tự có từ -8,93% tháng 1/2013 đã dần lùi về -2,68% cuối tháng 8/2013, dù vẫn còn nằm dưới quy mô vốn điều lệ. Khoảng thời gian còn lại của năm trở nên eo hẹp khi vẫn còn cần tới 2.635 tỷ đồng để ít nhất là trả lại đúng quy mô vốn điều lệ của nhóm.
Trong khi đó, triển vọng kinh doanh của hệ thống vẫn chưa thực sự cho thấy những tia sáng nào rõ rệt, thậm chí không loại trừ tình huống có thể còn xấu đi ở một số trường hợp nào đó…