Ngân hàng siết cho vay BOT, huy động vốn từ đâu?

Theo Nguyệt Minh/baodauthau.vn

Giải pháp huy động vốn cho dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) nói chung, BOT nói riêng trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, vốn tín dụng ngân hàng cho vay trung, dài hạn chạm trần, trong khi chưa thu hút được các tổ chức tài chính quốc tế, là bài toán khó.

Huy động vốn cho dự án PPP nói chung, BOT nói riêng, không thể chỉ trông chờ vào ngân hàng thương mại. Ảnh: Lê Tiên
Huy động vốn cho dự án PPP nói chung, BOT nói riêng, không thể chỉ trông chờ vào ngân hàng thương mại. Ảnh: Lê Tiên

Lời giải, theo nhiều chuyên gia, là phải đa dạng các kênh huy động vốn, và muốn vậy phải có chính sách hoặc những cách làm mới.

Lo nợ xấu, ngân hàng không thể “phóng tay”

Khi 8 dự án BOT thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam chuyển từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước, bài toán lớn nhất đối với nhà đầu tư trong nước là nguồn vốn ở đâu. Ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nói rằng, với cơ chế hiện nay, khi ngân hàng siết cho vay dự án BOT thì nguy cơ đấu thầu trong nước cũng đổ bể là rất rõ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cũng khó trách khu vực ngân hàng. Theo bà Nguyễn Vân Anh, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay dự án BOT hiện nay khoảng 110 nghìn tỷ đồng. Gần một nửa dự án BOT đã được ngân hàng thương mại cho vay không đảm bảo doanh thu như dự kiến, rất nhiều trong số đó có nguy cơ trở thành nợ xấu. “Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án hiện tại có thể khơi thông nguồn vốn tín dụng cho dự án PPP khác trong tương lai. Nếu cứ để nợ xấu tăng lên thì rất khó cho các ngân hàng có thể tiếp tục tài trợ cho dự án PPP tới”, bà Vân Anh chia sẻ.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, về lâu dài, huy động vốn cho dự án hạ tầng giao thông từ ngân hàng thương mại sẽ ngày càng khó khăn hơn do nguy cơ nợ xấu. Ngoài ra, hiện nay, quy định cho vay dự án chuyên biệt do rủi ro cao hơn cho vay doanh nghiệp thông thường nên lãi suất cao hơn. 

Đa dạng kênh huy động vốn

Theo nhiều chuyên gia, cần đa dạng các kênh huy động vốn cho dự án BOT, ngoài kênh tín dụng ngân hàng như hiện nay.

Ông Cấn Văn Lực cho biết, thông thường mô hình quốc tế dự án hạ tầng giao thông gồm 4 nguồn vốn là vốn tự có (15 - 20%), vốn từ tổ chức tín dụng (40 - 50%), vốn từ thị trường vốn trong đó có trái phiếu (20 - 25%) và còn lại là vốn từ các quỹ. Cấu trúc tài chính phức tạp nên các nước thường thuê tư vấn để xây dựng cấu trúc tài chính tối ưu, bao nhiêu phần trăm là vốn nhà nước, bao nhiêu phần trăm tư nhân và trong tư nhân thì bao nhiêu tín dụng, bao nhiêu trái phiếu… Phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể sẽ là kênh quan trọng.

Dự thảo Luật PPP đã mở ra quy định cho phép doanh nghiệp dự án phát hành trái phiếu doanh nghiệp sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng, hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng.

Đánh giá cao quy định này, tuy nhiên, thời điểm phát hành, theo ông Vũ Bằng - nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, nếu quy định sau khi hoàn thành xây dựng thì sẽ hạn chế việc thu hút nguồn vốn ban đầu vào dự án. Theo đó, nên có quy định linh hoạt hơn, ví dụ như khi dự án hoàn thành 30 - 50% thì cho phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhưng chỉ được phát hành cho nhà đầu tư tổ chức. Theo thông lệ quốc tế, nhà đầu tư tổ chức rất ưa thích loại trái phiếu này, có thể ngân hàng không cho vay nhưng mua trái phiếu doanh nghiệp ngay từ đầu. Còn sau khi hoàn thành dự án, đi vào thu phí thì được phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chỉ cho nhà đầu tư tổ chức mà có thể chào ra công chúng.

Bên cạnh đó, ông Vũ Bằng cho biết, kênh huy động thông qua quỹ đầu tư cũng rất phổ biến ở các nước và Việt Nam cũng nên phát triển quỹ đầu tư. Có thể huy động từ các quỹ đã có như: Quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ rủi ro, hoặc lập quỹ riêng cho một dự án theo cách thức nhà đầu tư hoặc công ty mẹ của nhà đầu tư thiết lập quỹ, vốn mồi là từ công ty mẹ, kêu gọi các nhà đầu tư khác góp vốn, phục vụ cho dự án. Hình thức khác là lập quỹ cho nhiều dự án theo cách công ty mẹ của nhà đầu tư thành lập quỹ, gọi vốn từ các nhà đầu tư tổ chức, có cả ngân hàng, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư rộng rãi, sau khi đầu tư xong một dự án, thu phí hiệu quả thì trả lại quỹ, gọi thêm vốn và đầu tư dự án khác…

Ông Bằng cũng khuyến nghị, để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động cho vay dự án PPP, xu hướng lâu dài Ngân hàng Nhà nước không nên quản lý theo tỷ lệ bao nhiêu cho vay ngắn hạn, bao nhiêu cho vay dài hạn, mà nên theo tỷ lệ an toàn tài chính.

Từ góc độ của nhà đầu tư, ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam quan ngại về khả năng phát hành thành công trái phiếu của doanh nghiệp dự án PPP. “Nhà nước phải có chính sách cụ thể, cần phải xây dựng, phát triển thị trường vốn. Kinh nghiệm từ Anh cho thấy, họ đã thiết lập liên minh các ngân hàng để cứu vãn tình hình, thu hút nhiều ngân hàng tham gia các dự án dài hơi hoặc thành lập các quỹ như quỹ đầu tư... Bên cạnh đó, mô hình quỹ đầu tư các công trình hạ tầng tại Hàn Quốc cũng đáng để chúng ta tham khảo”, ông Trần Chủng chia sẻ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh thì khuyến nghị củng cố Ngân hàng Phát triển Việt Nam là giải pháp khả thi để cấp vốn cho dự án hạ tầng, thay vì quá phụ thuộc vào ngân hàng thương mại như hiện nay.