Ngân hàng tăng tốc bảo vệ, khách hàng không còn lo tiền trong tài khoản "bốc hơi"?
Nhiều ngân hàng đã ứng dụng sinh trắc học và CCCD gắn chip vào việc xác thực khách hàng, áp dụng các mô hình AI, phát triển hệ thống phân tích, nhận dạng hành vi đáng ngờ theo thời gian thực,... nhờ đó đã phát hiện hàng chục, thậm chí hàng trăm giao dịch, tài khoản gian lận.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản đang có xu hướng gia tăng thông qua 2 hình thức: lừa đảo chiếm đoạt trực tiếp tiền của khách hàng, lừa đảo thông qua chiếm đoạt thông tin đăng nhập và mã xác thực.
Đối với lừa đảo chiếm đoạt trực tiếp tiền của khách hàng, tội phạm lợi dụng các kênh truyền thông phổ biến để tấn công vào tâm lý của khách hàng và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền cho tài khoản lừa đảo.
Nhiều nạn nhân "sập bẫy"
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, vào đầu tháng 3/2024, anh D. (ở huyện Gia Lâm) nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là cán bộ công an quận Long Biên hỗ trợ xử lý căn cước công dân (CCCD) bị lỗi hệ thống, yêu cầu anh đến phường để khắc phục. Do đang ở xa nên anh D. hẹn ngày hôm sau sẽ lên phường giải quyết.
Lúc này, đối tượng nói rằng cần hoàn thiện gấp hồ sơ nên yêu cầu anh D. tải phần mềm theo đường dẫn của đối tượng cung cấp để hỗ trợ xử lý từ xa. Vì thấy phần mềm có giao diện gần giống với giao diện Dịch vụ công trực tuyến nên anh D. tin tưởng và thực hiện các thao tác. Sau khi thực hiện các thao tác, các tài khoản ngân hàng của anh bị đối tượng thực hiện các giao dịch chuyển tiền và bị chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng.
Trong tháng 3, dư luận bất ngờ khi chuyên gia tài chính N.T.H lên tiếng chia sẻ về việc ông bị "rút ruột" 500 triệu đồng trong tài khoản. Theo đại diện ngân hàng, đây là một vụ việc có dấu hiệu lừa đảo tội phạm công nghệ cao, nên đã tố cáo ra cơ quan công an để xác minh, điều tra.
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an), trong năm 2023, tổng số tiền của người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2022. Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an.
Ông Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng A05 cho biết, các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội.
Thời gian qua, nhiều hình thức giả mạo, lừa đảo trực tuyến lợi dụng sự cả tin, mất cảnh giác của người dùng liên tục xuất hiện, gây cảm giác bất an, lo lắng cho nhiều người.
Không chỉ khách hàng, ngay cả ngân hàng cũng cũng lo lắng về những thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi.
Ngân hàng lập "hàng rào" bảo vệ khách hàng
Trước thực trạng trên, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, từ ngày 1/7, theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực giao dịch bằng sinh trắc học qua khuôn mặt của chủ tài khoản, nếu tổng giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày, người thực hiện chuyển tiền dù 1 đồng cũng phải nhận diện bằng khuôn mặt. Nếu đúng là chính chủ đang chuyển tiền, giao dịch mới thành công.
Đây là một trong những yếu tố quan trọng sẽ giúp ngăn chặn việc sử dụng các tài khoản không chính chủ để phục vụ các mục đích lừa đảo, gian lận, chiếm đoạt tiền. Trường hợp nếu không may bị kẻ gian lấy cắp tiền trong tài khoản, số tiền bị mất trong ngày không quá 20 triệu đồng.
"Với Quyết định 2345, từ ngày 1/7, không có chuyện người dân nói rằng tôi đang ngủ mà bị đánh cắp hàng trăm triệu đồng trong tài khoản, hay tài khoản bốc hơi mà chủ tài khoản không biết", ông Tuấn khẳng định.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ngân hàng đã chủ động sớm áp dụng quy định trên. Phó tổng giám đốc Đinh Văn Chiến cho biết, trong năm 2023, TPBank có tới hơn 12 triệu khách hàng, 1 tỷ giao dịch/năm và tổng giá trị giao dịch lên tới 1,5 triệu tỷ đồng. Nếu chỉ cần để lọt lưới một tỷ lệ rất nhỏ là 0,1% giao dịch xấu thì sẽ có hàng trăm ngàn khách hàng với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng bị ảnh hưởng.
Do vậy, việc đầu tư nghiên cứu và phát triển các giải pháp thu thập và phân tích dữ liệu sinh trắc học, giọng nói và dữ liệu lớn từ các kênh dịch vụ khách hàng, mạng xã hội để ngăn ngừa các rủi ro cho khách hàng cũng như bảo vệ ngân hàng là ưu tiên hàng đầu của TPBank. Đến nay, ngân hàng này đã có hơn 5 triệu khách hàng sử dụng hình ảnh khuôn mặt/vân tay để giao dịch.
Kể từ khi áp dụng giải pháp này, TPBank từng phát hiện và ngăn chặn một trường hợp sử dụng 54 giấy tờ giả khác nhau để mở tài khoản tại nhiều điểm giao dịch khác nhau của ngân hàng.
TPBank cũng áp dụng các mô hình AI nhận diện gian lận trong giao dịch tài khoản thanh toán và hồ sơ thẻ tín dụng... Kết quả trong một năm qua đã có tổng cộng 1.973 tài khoản thanh toán bị tạm thời chặn hoặc phong tỏa, với số tiền tạm thời chặn là 24,9 tỷ đồng.
Tương tự, đầu tháng 4 vừa qua, Techcombank đã tiếp tục nâng cấp cảnh báo về phòng tránh những thủ đoạn lừa đảo cài đặt các ứng dụng giả mạo bằng cách thực hiện thu thập dữ liệu sinh trắc học nhằm tăng cường an toàn giao dịch trực tuyến, bảo vệ khách hàng trên nền tảng giao dịch số.
Đại diện Techcombank cho biết, tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng CCCD gắn chip, tài khoản VNeID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng), nhằm để bảo vệ khách hàng trên nền tảng giao dịch số.
Trong khi đó, ACB áp dụng giải pháp bảo mật tài khoản ngân hàng gồm: tính năng cảnh báo và xác thực đăng nhập dịch vụ ngân hàng số trên trình duyệt/thiết bị mới. Bên cạnh đó, hệ thống tự động khóa phương thức xác thực khi khách hàng đăng nhập vào ứng dụng ACB ONE chính thức phiên bản 3.22.0 nếu trên thiết bị điện thoại của khách hàng có ứng dụng lạ và đang bật quyền Accessibility (quyền trợ năng).
Ngân hàng này cũng triển khai hệ thống giám sát và phát hiện gian lận, có bộ rule để phát hiện và cộng điểm rủi ro cho các hành vi bất thường; khóa quyền truy cập ACB ONE trong trường hợp khách hàng sau 5 lần đăng nhập liên tiếp không thành công.
"Chúng tôi cũng rà soát, cập nhật, xác minh thông tin của khách hàng theo định kỳ hoặc đột xuất. Nếu kết quả rà soát và phát hiện có nguy cơ rủi ro về gian lận lừa đảo, chúng tôi sẽ tạm ngưng cung cấp một số tính năng hay toàn bộ dịch vụ ngân hàng số", lãnh đạo ACB thông tin.