Ngân hàng Thế giới cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu

Theo dangcongsan.vn

Ngày 15/9, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu đang gia tăng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tập trung nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát leo thang.

Lạm phát trên toàn thế giới đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ qua do sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong bối cảnh nhu cầu của các nước gia tăng trong quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19. Trong năm nay, tình hình trở nên trầm trọng hơn do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine cũng như các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc trong nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19. 

Các ngân hàng trung ương chủ chốt buộc phải phản ứng mạnh mẽ bằng cách tăng lãi suất cho vay để làm giảm nhu cầu và kiềm chế lạm phát leo thang. 

Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, các nhà kinh tế của WB cảnh báo biện pháp này có thể vẫn chưa đủ để hạ nhiệt lạm phát, khiến các Ngân hàng Trung ương cần phải tăng thêm tăng lãi suất.

WB ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 chỉ tăng 0,5%. Nhưng GDP bình quân đầu người lại giảm 0,4%. Trên lý thuyết, đây là mức suy thoái toàn cầu. Mức giảm 0,4% tương đương mức suy thoái năm 1991.

Ngoài việc giảm GDP bình quân, suy thoái còn kéo theo sự sụt giảm về sản xuất công nghiệp, thương mại, dòng vốn, tuyển dụng và tiêu thụ dầu trên toàn thế giới. Sau khi tăng trưởng kỷ lục năm 2021, việc kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái sẽ khiến đà phục hồi giảm mạnh.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch WB David Malpass nêu rõ: "Tăng trưởng toàn cầu đang giảm mạnh, và có thể giảm hơn nữa do nhiều nước rơi vào suy thoái". Ông Malpass cũng bày tỏ lo ngại rằng xu hướng này sẽ tiếp tục và gây ra hậu quả kéo dài, đẩy người dân ở các nền kinh tế mới nổi và phát triển vào hoàn cảnh khó khăn. 

"Các nhà hoạch định chính sách có thể chuyển hướng tập trung từ giảm tiêu dùng sang kích thích sản xuất", Chủ tịch WB David Malpass cho hay. "Các chính sách nên hướng đến tăng đầu tư, cải thiện hiệu suất lao động và phân bổ vốn. Đây là điều thiết yếu với tăng trưởng và giảm nghèo", Chủ tịch WB nhấn mạnh.

Báo cáo của WB cũng khuyến nghị cách các Ngân hàng Trung ương tiếp tục kiểm soát lãi suất mà không gây ra suy thoái toàn cầu.

Hồi đầu tháng 6, WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,9%, so với dự báo 4,1% đưa ra hồi tháng 1, đồng thời cảnh báo nguy cơ nhiều nước có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Sự sụt giảm diễn ra khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi lên mức 5,7% trong năm 2021 sau suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra. 

Trong một tuyên bố trước đó, Chủ tịch WB David Malpass khẳng định, cuộc xung đột ở Ukraine, việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19, cùng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ lạm phát đình trệ đang "kìm hãm tăng trưởng". Đối với nhiều nước, suy thoái là điều khó tránh khỏi.