Ngân hàng Trung Quốc ráo riết xử lý nợ xấu
(Tài chính) Trong quý I, số nợ xấu được xóa khỏi bảng cân đối kế toán của Trung Quốc đã tăng gấp ba.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, cùng với 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, ICBC – ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất thế giới – đã xóa bỏ 22,1 tỷ nhân tệ (tương đương 3,65 tỷ USD) nợ không thể thu hồi được ra khỏi bảng kế toán. Đây là mức tăng cao gấp 3 lần so với con số 7,65 tỷ USD của năm ngoái. Quý I, các ngân hàng này đã ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục 76 tỷ USD.
Xóa bỏ phần tồi tệ nhất của nợ xấu sẽ giúp các ngân hàng tăng cường khả năng phòng chống trước xu hướng tăng lên của tỷ lệ nợ xấu trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ vỡ nợ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã nới lỏng các luật lệ về việc xóa nợ đối với các doanh nghiệp nhỏ. Các nhà hoạch định chính sách cũng đang hối thúc các ngân hàng tăng cường phòng chống rủi ro sau đợt bùng nổ tín dụng trong mấy năm vừa qua.
Theo Mike Werner - chuyên gia phân tích đến từ Sanford C. Bernstein & Co., tỷ lệ nợ/GDP (chưa bao gồm các khoản nợ của chính quyền TW) đã tăng lên 207% do tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn so với tăng trưởng của sản lượng. Điều này khiến các nhà đầu tư lo lắng về nợ xấu đang tăng lên tại các ngân hàng.
5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã tìm nhiều cách để hạn chế rủi ro tín dụng. Đến cuối tháng 6, các ngân hàng này đã trích lập dự phòng số tiền tương đương 272% giá trị các khoản nợ xấu, cao hơn tỷ lệ 150% mà các nhà làm luật yêu cầu.
Tuy nhiên, đạt được yêu cầu chỉ tiêu tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng (loan-loss reserves) lớn hơn 2,5% vẫn là điều khó khăn hơn. Xóa nợ cũng khiến dự phòng của các ngân hàng giảm đi và buộc họ phải tăng thêm vốn.
Tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng của ICBC ở mức 2,5%, trong khi của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc là 2,63%. Không phải ngân hàng nào cũng báo cáo về số liệu này trong khi người phát ngôn của hai ngân hàng trên cũng từ chối bình luận.
Theo Jim Antos - chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Mizuho có trụ sở tại Hồng Kông, việc cho phép các ngân hàng sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng để xóa nợ xấu cho thấy Trung Quốc đang bắt đầu triển khai cách tiếp cận hiện đại hơn trong quản lý tín dụng. Sử dụng khoản dự phòng - thay vì tích lũy - khiến các nhà đầu tư tự tin hơn.
Bước tiếp theo, Trung Quốc nên hối thúc các ngân hàng nhanh nhẹn hơn trong việc báo cáo nợ xấu. Khi người đi vay bắt đầu đối mặt với khó khăn trong việc trả nợ và khoản vay được liệt kê vào hạng mục nợ xấu, ngân hàng sẽ trích lập dự phòng đề phòng trường hợp không thu hồi được khoản nợ này. Khoản dự phòng sẽ làm giảm lợi nhuận, mặc dù khoản nợ vẫn ở trên bảng cân đối kế toán trong khi ngân hàng cố thu hồi nợ hoặc chiết khấu nợ. Lựa chọn cuối cùng là xóa nợ khỏi bảng cân đối và điều này làm giảm cả tỷ lệ nợ xấu cũng như khoản dự phòng.
Theo dữ liệu của Bloomberg, 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc (có thêm Ngân hàng Nông nghiệp TQ, Bank of China và Bank of Communications) ghi nhận nợ xấu tăng thêm 22,4 tỷ nhân dân tệ trong 6 tháng đầu năm, lên 349,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1% tổng dư nợ). Dự phòng tăng thêm 83,1 tỷ nhân dân tệ, lớn hơn so với con số 72,9 tỷ nhân dân tệ của cùng kỳ năm ngoái.
Xóa nợ không phải là phương pháp thường thấy ở Trung Quốc - nơi các ngân hàng phải nhận được sự đồng ý của Bộ Tài chính trước khi xóa nợ ra khỏi sổ sách. Trong hầu hết các trường hợp, thậm chí phải có phiên tòa tuyên bố người đi vay bị vỡ nợ trước khi ngân hàng tìm kiếm sự đồng ý từ Bộ Tài chính.
Kể từ năm 2010, luật được điều chỉnh lại và cho phép các ngân hàng tự động xóa những khoản nợ dưới 5 triệu nhân dân tệ nếu không thu hồi được sau 1 năm cố gắng. Đồng thời, quá trình xét xử phá sản cũng diễn ra nhanh hơn. Năm ngoái, tỉnh Triết Giang đã chấp nhận 143 vụ phá sản - gần gấp đôi so với 1 năm trước đó.