Ngân hàng Trung ương Nhật có sớm thay đổi chính sách?
Phát biểu hôm 25/12, Thống đốc NHTW Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cho biết, khả năng đạt được mục tiêu lạm phát của BOJ là “tăng dần” và họ sẽ xem xét thay đổi chính sách nếu triển vọng đạt được mục tiêu lạm phát 2% là “đủ” bền vững.
Vẫn rất thận trọng
“Nếu chu kỳ hiệu quả giữa tiền lương và giá cả tăng lên và khả năng đạt được mục tiêu giá cả một cách bền vững và ổn định của chúng tôi là “đủ”, chúng tôi có thể sẽ xem xét thay đổi chính sách”, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda nói.
Ông cho biết, mặc dù các công ty đang trở nên cởi mở hơn trong việc tăng lương và giá cả, nhưng điều quan trọng là liệu tiền lương có tiếp tục tăng trong năm tới và dẫn đến giá dịch vụ tăng thêm hay không. Bởi vậy, BOJ chưa quyết định về thời điểm thay đổi chính sách lập trường tiền tệ siêu nới lỏng của mình do những bất ổn về diễn biến kinh tế và thị trường.
“Chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận sự phát triển kinh tế cũng như hành vi ấn định tiền lương và giá cả của các công ty, từ đó quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai một cách thích hợp”, ông nói.
Thống đốc Ueda cho biết, việc lạm phát thấp và tăng trưởng tiền lương trì trệ kéo dài của Nhật có thể làm tăng nhận thức của công chúng rằng giá cả và tiền lương sẽ vẫn ở mức 0. Việc thay đổi nhận thức như vậy và tạo ra một chu kỳ trong đó tiền lương và giá cả tăng song song sẽ mang lại những lợi ích như dẫn đến phân bổ lao động hiệu quả hơn. Ông cũng cho biết, việc đạt được lạm phát tích cực cũng sẽ đẩy lãi suất danh nghĩa lên cao và tạo điều kiện cho ngân hàng trung ương hạ lãi suất thấp hơn đáng kể khi cần thiết để ngăn nền kinh tế rơi trở lại tình trạng giảm phát.
Ông cũng chỉ ra những tiến bộ gần đây, chẳng hạn như lạm phát dịch vụ tăng dần và các dấu hiệu thay đổi trong cách các công ty định giá và thanh toán.
“Khả năng nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi môi trường lạm phát thấp và đạt được mục tiêu giá cả của chúng tôi đang dần tăng lên, mặc dù khả năng này vẫn chưa đủ cao vào thời điểm này”, Ueda cho biết, nhưng cũng nói thêm: “Vì có những bất ổn cực kỳ cao xung quanh nền kinh tế và giá cả trong và ngoài nước, nên cần phải kiểm tra hành vi ấn định tiền lương và giá cả của các công ty sẽ thay đổi như thế nào”.
Tín hiệu mới
Những phát biểu hôm 25/12 của ông Kazuo Ueda không khác nhiều so với những gì ông đã nói sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tháng 12 - cuộc họp mà BOJ vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình khi tiếp tục duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm quanh mức 0%, cho dù biên độ biến động được nới linh hoạt hơn, cho phép lợi suất tăng trên 1%.
Tuy nhiên các thị trường vẫn xem những phát biểu này của ông Kazuo Ueda là tín hiệu rõ ràng nhất cho đến nay về cơ hội chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và lãi suất âm.
Với lạm phát vượt quá mục tiêu trong hơn một năm, nhiều thành viên thị trường kỳ vọng BOJ sẽ nâng lãi suất ngắn hạn ra khỏi vùng âm vào năm tới, trong đó một số người còn đặt cược vào lãi suất cao hơn ngay từ tháng 1/2023.
Kết quả cuộc khảo sát do Reuters thực hiện hồi cuối tháng 11 cũng cho thấy, hơn 80% các nhà kinh tế tham gia khảo sát cũng kỳ vọng BOJ sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào năm tới và một nửa trong số họ dự đoán tháng 4 là thời điểm có khả năng xảy ra nhất, nhưng cũng có một số nhà kinh tế cho rằng, sự thay đổi chính sách có thể diễn ra ngay tháng 1.
Các nhà phân tích cho rằng BOJ có thể sẽ hành động dễ dàng hơn trong những tháng như tháng 1 và tháng 4, khi cơ quan này công bố báo cáo triển vọng hàng quý với các dự báo về giá và tăng trưởng mới.
Tuy nhiên, những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ toàn cầu có thể làm phức tạp thêm quyết định của BOJ khi các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu báo hiệu rằng họ đã thực hiện xong việc tăng lãi suất.
Các nhà phân tích cho biết, việc tăng lãi suất vào thời điểm các NHTW khác đang cắt giảm lãi suất có thể khiến đồng yên tăng giá, từ đó gây bất lợi cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các nhà sản xuất lớn và khiến họ không muốn tăng lương.