Bứt phá tăng trưởng, kinh tế Nhật vẫn mong manh
Một cuộc khủng hoảng ngày càng hiện hữu của kinh tế Trung Quốc và mốt số rủi ro tiềm ẩn khác... đang đe dọa các nỗ lực tăng trưởng vượt bậc của Nhật Bản thời gian qua.
Trái ngược bức tranh u ám của các nền kinh tế hàng đầu, Nhật Bản đã tăng trưởng vượt bậc trong quý hai, đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 6% - một trong những thành tích tốt nhất kể từ giữa những năm 1990. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn gấp đôi so với ước tính của các nhà kinh tế bị cho là “quá tốt để có thể trở thành sự thật”.
Theo các nhà kinh tế, đó là một sự bùng nổ kỹ thuật với một số trợ giúp sau COVID-19 thay vì thực chất. Nhưng rõ ràng, nền kinh tế thứ 3 thế giới đang lấy lại đà sau nhiều thập kỷ ảm đạm.
Suốt những năm qua, Nhật Bản đã mất đi những động lực tăng trưởng khi các lĩnh vực như đầu tư công hay đổi mới sáng tạo bị bão hòa. Chính phủ Nhật vẫn tiếp tục duy trì cơ sở hạ tầng công cộng ở mức hàng đầu thế giới. Những sinh viên tốt nghiệp ở Nhật Bản ít phải lo lắng về việc tìm được công việc toàn thời gian. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật chỉ là 2,7% . Năm 2002 được coi là đỉnh điểm của thất nghiệp Nhật Bản, cũng chỉ ở mức 5,5%.
Với mức độ ổn định công việc cao, bảo hiểm y tế bắt buộc và các đặc quyền khác, người Nhật không phải vật lộn với những bất ổn của nền kinh tế tự do. Đó cũng là lý do vì sao các nhà kinh tế nói rằng “không có gì ngạc nhiên khi Nhật Bản không đổi mới” – thứ đã khiến tăng trưởng GDP của nước này chỉ dao động từ 1–1,5% nhiều năm qua.
Bức tranh kinh tế tươi sáng
Một trong những động lực tăng trưởng lớn nhất của kinh tế Nhật Bản là sự bùng nổ xuất khẩu cùng với sự sụt giảm nhập khẩu. Xuất khẩu quý 2 của Nhật Bản tăng 3,2% cùng với nhập khẩu giảm 4,3%. Dù vậy, nhập khẩu sẽ cần phải tăng trở lại để bổ sung các mặt hàng đã bán ra nước ngoài.
Một yếu tố lớn khác là sự xuất hiện của hàng nghìn khách du lịch từ nước ngoài, được cho là quay trở lại Nhật Bản sau thời kỳ hạn chế đi lại vì Covid-19. Số lượng du khách quốc tế tại đây đã tăng hơn 1.600% so với mức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 một năm trước đó, đạt gần 2,1 triệu lượt vào tháng 6. Việc đồng Yên mất giá khoảng 33% trong thập kỷ qua đã giúp Nhật Bản đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Chi tiêu tiêu dùng thấp hơn là một điểm yếu được các nhà kinh tế chỉ ra, có tác động lớn đến tổng nhu cầu trong nước của Nhật Bản. Một phần của điều này là do sự quay trở lại gần đây của lạm phát, hiện ở mức khoảng 3%.
Tuy nhiên, một dữ liệu khác của chính phủ Nhật Bản cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã tăng lên trong 8 tháng qua và hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2021. Ngoài ra, số liệu GDP cho thấy mức tăng lương cuối cùng dường như cũng bắt kịp với giá cả tăng khi người lao động đòi hỏi nhiều tiền công hơn. Tiền lương thực tế đã tăng 0,6% so với quý trước, mức tăng đầu tiên trong hơn hai năm.
Lĩnh vực đầu tư cũng đang tăng lên, cả trong các công ty nội địa và nước ngoài do đồng Yên yếu, cơ sở hạ tầng tốt và chi phí lao động thấp đáng ngạc nhiên. Đó là chưa kể tới những kế hoạch hỗ trợ đầy tham vọng của chính phủ hướng vào ngành công nghệ.
Thủ tướng Fumio Kishida đã đề ra các tầm nhìn mới trong kế hoạch “Chủ nghĩa tư bản mới” của ông nhằm tái dựng lại thời kỳ hoàng kim của sản xuất công nghệ cao Nhật Bản. Các khoản trợ cấp bao gồm gói 476 tỷ yên (3,2 tỷ USD) của chính phủ cho công ty sản xuất chip Đài Loan TSMC xây dựng nhà máy đầu tiên ở Nhật Bản, trong khi cơ sở thứ hai đang được xây dựng.
Sony đang xây dựng một nhà máy cảm biến hình ảnh mới gần cơ sở TSMC trong khi Micron Technology (Mỹ) sẽ đầu tư tới 500 tỷ yên (3,4 tỷ USD) vào Nhật Bản trong vài năm tới, bao gồm cả việc mở rộng sản xuất ở Hiroshima.
Đáng chú ý hơn cả, các công ty Nhật Bản cũng đang dần quay trở về đầu tư mạnh trong nước. Chuyên gia Koyama của Deutsche cho biết: “Trong 20-30 năm qua, vốn đầu tư của các công ty Nhật Bản vào trong nước tương đối thấp, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất. Nhưng gần đây tình hình đã thay đổi trong bối cảnh tình hình địa chính trị có nhiều thay đổi”.
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhật Bản cho thấy các công ty lớn của Nhật Bản có kế hoạch tăng chi tiêu vốn lên 13,4% trong năm nay, một con số cao hơn dự kiến chỉ ba tháng trước đó.
Nhưng mây mù chưa tan
Tuy nhiên, vẫn có nhiều rào cản phía trước. Các nhà kinh tế Nhật Bản đặt nhiều kỳ vọng vào tốc độ tăng lương trong tương lai, đặc biệt là các cuộc đàm phán công đoàn vào năm tới, sẽ giúp cải thiện nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, nếu mức tăng lương không như kỳ vọng, điều đó có thể dẫn tới tiêu dùng suy giảm.
Một nhân tố khác là Trung Quốc – đối tác thương mại quan trọng của Nhật Bản, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này. Vấn đề cấp bách nhất chính là tác động tiềm ẩn của tình trạng kinh tế trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc đối với xuất khẩu của Nhật Bản.
Về lâu dài, các chuyên gia còn cho rằng Nhật Bản còn đối mặt rủi ro khi xảy ra xung đột quân sự ở Đài Loan - thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Nhật Bản. Chưa kể, sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng do hoạt động sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan bị đình trệ có thể làm giảm tới 3% GDP của Nhật Bản, theo chuyên gia Kiuchi Takahide, cựu chuyên gia Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, nay là thành viên Viện Nghiên cứu Nomura ở Tokyo.