Ngân hàng trước sức ép và rủi ro mới

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Rủi ro về thanh khoản, tỷ lệ cho vay trên huy động hiện đang ở mức trên cao, tỷ trọng các khoản huy động trung và dài hạn còn thấp... là sức ép chung mà các tổ chức tài chính - ngân hàng trong khu vực đang phải đối mặt.

Rủi ro về thanh khoản là một trong những sức ép lên ngân hàng. Nguồn: internet
Rủi ro về thanh khoản là một trong những sức ép lên ngân hàng. Nguồn: internet

Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng, ngành này trong năm 2014 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro và đến từ nhiều nguồn. Liên tiếp trong những năm gần đây, tỷ lệ cho vay trên huy động tại các ngân hàng thương mại ở mức trên 100%; tỷ trọng các khoản huy động trung và dài hạn còn thấp, chỉ chiếm 16% trên tổng huy động cho vay. Điều này cho thấy rủi ro về thanh khoản của thị trường tài chính Việt Nam còn cao.

Hiện các tổ chức tài chính - ngân hàng trong khu vực đang đối mặt với một sức ép chung khi tình trạng lợi nhuận kinh doanh sụt giảm do những khoản chi phí ngày càng lớn dần. Đối với rất nhiều ngân hàng, việc triển khai ứng dụng công nghệ mới như chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi, ứng dụng hiệu quả điện toán đám mây, điện toán di động và triển khai các mô hình thuê ngoài thông minh, hướng tới mục tiêu giảm thiểu chi phí vận hành hiện đang là mối quan tâm hàng đầu khi xây dựng các chiến lược phát triển kinh doanh.

Nhiều ngân hàng đã tích cực đầu tư nâng cấp, ứng dụng công nghệ phát triển các kênh dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại như Mobile banking, Internet banking, SMS banking, và các dịch vụ thẻ. Cụ thể, thị trường Việt Nam đã có 52 tổ chức phát hành thẻ với 57,1 triệu thẻ, 14.300 ATM, 101.400 POS.

Năm 2013 đã chứng kiến dấu hiệu phục hồi đầu tiên của ngành Ngân hàng Việt Nam với mức tín dụng toàn hệ thống tăng 8,83%. Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã đi vào ổn định với 2 thương vụ M&A thành công trong năm 2012 và thêm 2 thương vụ trong năm 2013. Chiến lược mua lại và sáp nhập được mong đợi sẽ trở nên hiệu quả hơn khi các ngân hàng nội địa thúc đẩy tái cấu trúc nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Theo báo cáo của KPMG năm 2013, doanh thu từ dịch vụ khách hàng đạt 6,47%, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu nhập thuần ngoài lãi của các ngân hàng. Nhu cầu sử dụng dịch vụ tại các tổ chức tín dụng của khách hàng đang tiếp tục phục hồi sau một năm đầy biến động và dự kiến sẽ tăng nhẹ trong năm 2014.

Trên cơ sở đó, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu phấn đấu tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 - 18%, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 12 - 14%; điều chỉnh lãi suất và tỷ giá ở mức phù hợp; giữ vững quan điểm triển khai đồng bộ và quyết liệt Đề án 245 về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và kỷ cương trong hoạt động ngân hàng.

Để giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, sẵn sàng đối phó với các thách thức, Ngân hàng Nhà nước cũng bắt đầu xây dựng, triển khai các bước tiến mạnh mẽ nhằm chuẩn hóa, đồng bộ hệ thống hạ tầng ngân hàng cho phù hợp với các tiêu chuẩn thế giới... việc làm này được các chuyên gia quốc tế ghi nhận là kịp thời, phù hợp với xu thế phát triển chung, hạn chế nguy cơ đổ vỡ thị trường.

Với chủ đề "Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng", Hội thảo - Triển lãm Banking Vietnam 2014 đang diễn ra tại Hà Nội trong các ngày 21 và 22/5, với sự tham gia của hơn 30 diễn giả là lãnh đạo các Vụ, Cục của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các chuyên gia tài chính ngân hàng và các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng.