Cần cơ chế đặc biệt cho gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Với gói 3.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất, dự kiến sẽ có khoảng hơn 100.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi lãi suất 3 - 4%/năm được "bơm" ra nền kinh tế. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hưởng được ưu đãi cần phải thiết kế quy chế đặc biệt cho gói hỗ trợ lãi suất này để không phải sửa Luật Tổ chức tín dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải tạm ngừng hoạt động. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Quốc hội đã áp dụng nhiều chính sách cứu trợ doanh nghiệp. Điển hình, các ngân hàng tung ra gói hỗ trợ trên 26.000 tỷ đồng nhằm giảm lãi suất cho vay, nhưng DN vẫn kêu không đủ.

Quy mô gói hỗ trợ cần phải lớn hơn

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 tới các giải pháp về cấp bù lãi suất trên 2.000 tỷ đồng để tạo ra dư nợ trên 60.000 tỷ đồng nhằm giúp DN vượt qua đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: “Dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng, lãi suất khoảng 3-4%/năm để hỗ trợ người dân, DN”.

Đại diện NHNN cho biết, tới đây ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình triển khai gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, chính sách ban hành phải đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh thì quy mô này quá nhỏ để tạo ra sức bật cho nền kinh tế phục hồi rõ rệt. Vì thế, ông cho rằng quy mô gói hỗ trợ phải lớn hơn.

Tuy nhiên, để bớt nặng nề cho ngân sách, ông Nghĩa gợi ý, cần biện pháp mang tính chất vĩ mô từ hai phía, đó là ngân hàng trung ương cộng với các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách.

Cụ thể, có thể dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung. Chẳng hạn, 1%/năm, cộng với gói kích thích lãi suất này, khoảng 2-3%/năm, tạo nên một hiệu ứng giảm lãi suất tương đối rõ rệt cho các doanh nghiệp, có thể lên đến 4%. Còn Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng trung ương.

“Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của Chính phủ tại ngân hàng trung ương là rất lớn, gấp 4 lần năm 2009, tương ứng với 12 tuần nhập khẩu hiện nay. Tôi nghĩ đã mất công thiết kế thì nên làm một gói lớn, để nó thực sự tạo ra khác biệt”, ông Nghĩa nói.

Ngân hàng thiếu cơ chế

Một vấn đề nữa được các chuyên gia lo ngại chính là làm thế nào để DN tiếp cận được vốn vay. Bởi hiện nay Luật của các TCTD quy định DN vay vốn phải đáp ứng các tiêu chí: không có nợ xấu; có doanh thu; có lợi nhuận và có tài sản đảm bảo. Nhưng xét trong bối cảnh hiện nay thì các DN tiếp cận được rất ít.

“Nếu muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý để giúp các DN thực sự khó khăn thì phải có một quy chế đặc biệt dùng cho gói cứu trợ này, để không ảnh hưởng tới các TCTD. Trong gói đặc biệt này có một quy chế riêng, kéo dài trong một thời gian, hết hạn là kết thúc ngay”, ông Nghĩa kiến nghị.

Với gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, ông Tuấn Anh cho biết, ngân hàng sẽ triển khai, nhưng tiêu chí ra sao thì các Bộ, ngành cần phải ngồi lại với nhau. “Các tiêu chuẩn của gói này cần xin cơ chế đặc biệt, nếu không đặc biệt thì không thể giải ngân. Áp dụng theo đúng tiêu chuẩn hiện nay thì không DN nào tiếp cận được. Cần có cơ chế, xin báo cáo các cấp có thẩm quyền được áp dụng cơ chế đặc biệt, chỉ cho gói này trong thời điểm này”, ông Tuấn Anh nói.

Liên quan đến nguồn vốn cho DN, các ngân hàng cũng khẳng định không thiếu tiền mà cần cơ chế thông thoáng hơn để cho vay. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tăng trưởng tín dụng đến hết 31/8 là 7,18%, tổng điều hành tín dụng năm nay, dự kiến là 12%. Điều này nói lên rằng, vẫn còn 5% dư địa tín dụng để cung ứng cho nền kinh tế trong 3 tháng còn lại của năm 2021.

“Hai tháng qua, ngành ngân hàng tích cực hạ lãi suất, nhưng tín dụng vẫn chưa tìm được đầu ra do cầu thấp. Nếu tháng 9 này Chính phủ tháo gỡ giãn cách thì cầu tín dụng sẽ trở lại. Các ngân hàng sẽ ngay lập tức đáp ứng các nhu cầu tín dụng”, ông Tuấn Anh cam kết và khẳng định, ngân hàng không hề siết chặt, mà còn mong muốn DN được thuận lợi để tăng dư địa tín dụng.

“Mục tiêu năm nay là 12% nhưng linh hoạt, nếu cần thiết và đủ điều kiện sẽ mở ngay để tạo điều kiện tối đa cho DN tiếp cận vốn”, đại diện NHNN cho hay.