Lợi nhuận năm 2020 của “big 4” ngân hàng ra sao?

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Tính sơ bộ tổng số tiền 4 ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank) cắt giảm để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng đại dịch Covid-19 trong năm 2020 khoảng gần 20.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại cuộc họp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ và cộng đồng doanh nghiệp hồi tháng 4/2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: "Lợi nhuận của tất cả ngân hàng có vốn nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vậy, hưởng ứng lời kêu gọi của NHNN, lợi nhuận năm 2020 của của “big 4” ra sao? 

Hiện nay, Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank chưa công bố báo cáo tài chính, song đã hé lộ phần nào kết quả kinh doanh.

BIDV

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và kế hoạch kinh doanh năm 2021 mới đây, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú cho biết, tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản ngân hàng đạt 1,49 triệu tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2016, tăng trưởng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2016-2020, tiếp tục khẳng định vị thế là ngân hàng TMCP có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2019; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,19 triệu tỷ đồng, gấp 1,92 lần năm 2016, tăng trưởng 8,8% so với năm 2019, chiếm bình quân 13,5% thị phần tín dụng toàn ngành, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng cũng như về quy mô dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và dân cư.

Năm 2020, BIDV ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với năm 2019. Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 9.017 tỷ đồng, giảm khoảng 16%, lợi nhuận riêng lẻ đạt 8.515 tỷ đồng, giảm 17,3%. Lãnh đạo BIDV cho hay, sở dĩ lợi nhuận sụt giảm là do ngân hàng đã chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của NHNN.

Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tổng tài sản cuối kỳ tăng trưởng khoảng 9%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 12%, huy động vốn tăng khoảng 12-14,8%, tỷ lệ nợ xấu đảm bảo dưới 1,6%.

VietinBank

Kết thúc năm 2020, VietinBank ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất trong "big 4". Cụ thể, dư nợ tín dụng hợp nhất tăng 7,7% so với năm 2019. Giải ngân cho vay mới 674.310 khách hàng với dư nợ khoảng 357.370 tỷ đồng. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, trong đó có một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung như: nông nghiệp, nông thôn (tăng 16,15%), doanh nghiệp nhỏ và vừa (tăng 13,18%)…

Thu nhập ngoài lãi năm 2020 của VietinBank tăng 35,2% so với năm 2019, tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng tốt từ 16,5% năm 2019 lên gần 20,1% năm 2020, trong đó thu thuần dịch vụ tăng gần 12% so với năm 2019. Thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ tăng 24% so với năm 2019, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vốn tăng 70% so năm 2019. Chỉ số sinh lời ROE và ROA là 16,8% và 1,3%, tiếp tục cải thiện mạnh so với năm 2019.

Nhờ tín dụng và các hoạt động ngoài lãi đều tăng trưởng tốt, nên lợi nhuận riêng lẻ trước thuế năm 2020 đạt 16.450 tỷ đồng, tăng 43,5% so với năm trước.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết: “Năm 2020, VietinBank đã cắt giảm gần 5.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí… để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và thực hiện phương án đảm bảo hoạt động liên tục của ngân hàng trong suốt giai đoạn dịch bệnh. VietinBank chủ động điều hành tín dụng tập trung vào các ngành, lĩnh vực được Chính phủ, NHNN khuyến khích phát triển, đồng hành cùng các ngành, các địa phương để thúc đẩy kinh tế vùng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Năm 2021, VietinBank đặt mục tiêu: tổng tài sản tăng trưởng khoảng 3% - 6%; tín dụng tăng trưởng khoảng 8% - 11%; nguồn vốn huy động tăng trưởng 10% - 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10% - 20%.

Vietcombank 

Mới đây, chia sẻ với báo chí, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành cho hay, năm 2020, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 14%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống, chủ yếu tăng mạnh trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ. 

Mặc dù tín dụng tăng mạnh nhưng năm 2020, Vietcombank không tăng trưởng lợi nhuận, ước tương đương năm ngoái, đạt 23.000 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam có lợi nhuận đạt xấp xỉ 1 tỷ USD.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, nguyên nhân khiến lợi nhuận không tăng do ngân hàng giảm mạnh lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, năm 2020, Vietcombank đã 5 lần giảm lãi suất cho vay, số tiền giảm là 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, "sức khỏe tài chính" của Vietcombank đang ngày càng vững với tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,6%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao kỷ lục 380%.

Agribank

Tuy chưa công bố con số cụ thể, song lãnh đạo Agribank cho hay, kết quả kinh doanh năm 2020 đều vượt mục tiêu đề ra như tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt gần 70% tổng dư nợ, chiếm tỷ trọng lớn trong thị phần tín dụng “tam nông” tại Việt Nam.

Dù vậy, theo đánh giá, lợi nhuận của Agribank năm 2020 khó tăng mạnh do trong năm đã 5 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, 8 lần giảm phí dịch vụ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Ước tính dư nợ dành cho khách hàng được miễn giảm lãi do dịch Covid-19 là 6.508 tỷ đồng. Dư nợ dành cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt tại miền Trung là 6.284 tỷ đồng.