Việt Nam bị "gắn mác" thao túng tiền tệ, nhà đầu tư có nên lo lắng?
Việc Việt Nam bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ có thể gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động thương mại và đầu tư giữa 2 nước. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư cũng không nên quá lo lắng...
Ngày 16/12 vừa qua, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”.
Trên cơ sở 3 tiêu chí: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam cùng với Thuỵ Sỹ vào danh sách các nước thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.
Trước Báo cáo trên của Mỹ, ngay lập tức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có thông báo khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua của Ngân hàng Nhà nước là trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Tại cuộc họp chiều 18/12, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô chứ không phải để tạo lợi thế thương mại.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố, trong đó có các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam; việc mua ngoại tệ thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hoà, bền vững.
Tuy nhiên, thông tin Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ gây hoang mang cho giới đầu tư trong nước và nước ngoài tại Việt Nam. Để có một góc nhìn khách quan và rõ ràng hơn về tác động của việc bị gắn mác thao túng tiền tệ, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính đã có nhiều năm làm việc tại Mỹ và Việt Nam về vấn đề này.
Phóng viên: Mỹ sẽ làm gì với những nước từng bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi biết, cho đến thời điểm hiện tại Trung Quốc là quốc gia duy nhất bị Mỹ trừng phạt khi bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ. Việc đầu tiên mà Mỹ làm là đánh thuế 25% cho hàng nhập khẩu từ nước này để khiến giá cả hàng hoá vào Mỹ tăng cao hơn, từ đó hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thao túng tiền tệ từng được hiểu là quân bài chính trị chứ không phải vấn đề thương mại nhưng tới thời ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ với khẩu hiệu “làm nước Mỹ hùng cường trở lại” thì ông Trump đã nhắm thẳng vào Trung Quốc để trừng phạt nước này. Lý do được ông Trump đưa ra là Trung Quốc đã sản xuất ra hàng giá rẻ, rồi bán sản phẩm cho Mỹ, khiến cho các công xưởng của Mỹ phải đóng cửa, gây ra tình trạng thất nghiệp tại nhiều nơi. Không những vậy, các công xưởng của Mỹ dần di dời qua Trung Quốc để sản xuất rồi xuất khẩu hàng giá rẻ trở lại nước Mỹ. Ông Trump cho rằng "Trung Quốc đã sống trên lưng người Mỹ" một thời gian dài.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính là vì lý do này. Ông Trump nhắm vào Trung Quốc với một trong những công cụ đầu tiên là tuyên bố Trung Quốc nằm vào trong danh sách thao túng tiền tệ. Trung Quốc đã từng nằm trong danh sách thao túng tiền tệ cho đến tận năm 2019 sau khi 2 nước có những thương lượng quan trọng thì Mỹ mới rút Trung Quốc ra khỏi danh sách. Và đến bấy giờ chỉ còn 4 quốc gia nằm trong danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ là Việt Nam, Thuỵ Sỹ, Đài Loan và Indonesia.
Với Việt Nam, nếu không có giải pháp nào giúp Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ thì Mỹ cũng có thể làm điều tương tự như với Trung Quốc, áp thuế 25% với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Đó có thể là các sản phẩm dệt may, da giày, nông sản, các sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, đó là giả thuyết tệ nhất.
Vậy với các nước khác đang nằm trong danh sách thao túng tiền tệ thì sao? Hành động trừng phạt của Mỹ ngoài đánh thuế còn động thái nào khác?
Ngoài Trung Quốc nằm trong danh sách thao túng tiền tệ bị Mỹ tuyên bố trừng phạt bằng tăng thuế thì chưa có quốc gia nào nằm trong danh sách này chịu biện pháp trừng phạt tương tự hoặc Mỹ có những động thái rõ ràng với các quốc gia đó.
Ngoài trừng phạt dựa trên thuế, Mỹ có thể tìm cách hạn chế xuất siêu từ các nước này sang Mỹ, dùng các rào cản kỹ thuật với hàng xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại cũng chưa ai biết Mỹ sẽ có kế hoạch gì với Việt Nam.
Động thái ra sao còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, vì bản thân chính trường Mỹ cũng đang rất rối ren, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ thứ 45 để chuyển giao sang nhiệm kỳ mới. Cho đến hiện tại gần như 99,9% là ông Joe Biden sẽ lên nằm quyền ở Mỹ và đảng dân chủ sẽ có những thái độ hoà hoãn hơn với Trung Quốc và Việt Nam. Vì thế, Việt Nam nằm trong danh sách thao túng tiền tệ nhưng có khả năng Mỹ sẽ không có động thái trừng phạt.
Vậy ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư có nên lo ngại?
Hiện nay đang là thời điểm để Việt Nam và Mỹ thực hiện đàm phán giải quyết vấn đề. Đến nay vẫn chưa thấy có biện pháp trừng phạt nào từ phía Mỹ được đưa ra. Nhà đầu tư không nên quá lo lắng nhưng họ phải rất quan tâm tới vấn đề này vì ông Trump rất khó đoán và chưa biết Mỹ sẽ xử lý thế nào ở thời điểm hiện tại. Nếu Mỹ có hành động trừng phạt thì nhà đầu tư cũng phải sẵn sàng để phản ứng lại.
Riêng với những nhà đầu tư của Mỹ và Việt Nam đang có quan hệ xuất nhập khẩu với Mỹ, tôi đề xuất nên chủ động thông qua các hiệp hội để đưa ý kiến lên Chính phủ. Ví dụ, nếu doanh nghiệp thấy Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ là không hợp lý thì phải có ý kiến với Chính phủ, đưa ra đề xuất xử lý các vấn đề.
Xin cảm ơn ông!
Nói về việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách một trong những thao túng tiền tệ, TS. Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết: Thứ nhất, việc thặng dư thương mại với Mỹ lớn có nhiều lý do nhưng chủ yếu do cấu trúc của cán cân thương mại Việt Nam. Mỹ thắc mắc nếu không phải can thiệp tỷ giá sao Việt Nam bán hàng qua Mỹ nhiều như vậy? Nguyên nhân sâu xa là lao động Việt Nam giá quá rẻ. Yếu tố này kết tinh vào giá thành sản phẩm, từ đó giá hàng hoá xuất đi rất rẻ.
Thứ hai, về cán cân vãng lai- bao gồm cán cân thương mại và các khoản chuyển tiền (gồm chuyển tiền từ nước ngoài về, nhất là kiều hối). Vài năm trở lại đây, chúng ta xuất siêu nhưng không lớn, một năm cỡ khoảng 5-10 tỷ, năm nay hơn 20 tỷ. Trong khi cán cân vãng lai của các nước tăng cao do thương mại thì ở Việt Nam, cán cân vãng lai thặng dư chủ yếu do nhận tiền kiều hối từ nước ngoài. Đây là những khoản người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về để trợ cấp cho người thân trong nước. Kiều hối chảy về là yếu tố khách quan, không phải vì tỷ giá cao hay thấp. Do đó, tỷ giá không phải là yếu tố làm cán cân vãng lai thặng dư vượt quá tiêu chí của Mỹ quy định là 2% GDP.
Thứ ba, về can thiệp trên thị trường ngoại hối, tôi cho rằng hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua về mặt bản chất là quá trình chuyển đổi ngoại hối. Hiện nay pháp luật ngoại hối Việt Nam không cho phép dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Nhà đầu tư chuyển ngoại tệ vào Việt Nam kinh doanh thì phải chuyển đổi ra tiền đồng. Các nhà xuất khẩu hay nguồn tiền kiều hối chuyển về nước cũng phải đổi qua tiền đồng để sử dụng.
Việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ suy cho cùng là thực hiện chức năng chuyển hoá các đồng ngoại tệ để giúp người dân tại lãnh thổ Việt Nam có thể dùng tiền đồng, tức việc mua vào này là bắt buộc.
Một vấn đề quan trọng nữa Mỹ cho rằng Việt Nam đã mua ngoại hối can thiệp nhằm định ra giá trị tiền đồng dưới giá trị thật. Mức ngang giá tiền tệ này phụ thuộc chủ yếu vào mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam với các đối tác thương mại chính, nhất là với Mỹ. Trong những năm gần đây, lạm phát bình quân của Việt Nam là 4% trong khi lạm phát của Mỹ chưa đến 2%, việc tiền đồng mất giá 1-1,5% có thể hiểu được. Tôi không cho rằng VND hiện nay dưới giá trị thực như trong báo cáo của Mỹ. Có nhiều năm lạm phát Việt Nam cao 5-6% nhưng tiền đồng chỉ mất giá 1-2%. Tiền đồng thậm chí còn đang mất giá rất chậm.