Nắn lại dòng chảy tín dụng tiêu dùng

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Các ngân hàng thương mại hiện chiếm đến 88% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng, chủ yếu là các khoản vay lớn như mua nhà, sửa nhà; các khoản nhỏ dưới 100 triệu đồng là các công ty tài chính cho vay.

Các ngân hàng đang chiếm khoảng 88% cho vay tín dụng tiêu dùng. Nguồn: Internet
Các ngân hàng đang chiếm khoảng 88% cho vay tín dụng tiêu dùng. Nguồn: Internet

Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2018 và Triển vọng năm 2019, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, đánh giá tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý I tăng khoảng 2 – 2,5%, cả năm 2019 tăng khoảng 12 – 14% và cho rằng mức tăng này phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam.

Xu hướng mới của ngân hàng

Theo phân tích của ông Lực, tăng trưởng tín dụng quý I trước đây thường khá thấp, có năm còn âm ở tháng sau Tết, tuy nhiên mấy năm vừa qua, tín dụng đã tăng trưởng đều trong các tháng.

Năm 2018, tín dụng dù chỉ tăng khoảng 14% nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, nguyên nhân là do có nhiều dòng vốn khác hỗ trợ cho nền kinh tế như đầu tư nước ngoài (FDI)… Vì vậy, ông Lực cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay ở mức 12 – 14% là tương đối phù hợp, bởi tăng trưởng tín dụng trong vòng 5 năm qua đã khá cao.

Bên cạnh đó, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại tiếp tục được yêu cầu phải tăng, nếu không tăng được thì không thể tăng trưởng tín dụng.

Trong bối cảnh như vậy, các ngân hàng phải điều tiết tăng trưởng tín dụng ở mức bình quân khoảng 13 – 14%, một vài ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn do quy mô nhỏ.

Để đạt được mức tăng trưởng như dự kiến nhưng lợi nhuận vẫn tăng cao so với năm trước, ông Lực cho biết các ngân hàng điều tiết kế hoạch kinh doanh, trong đó tập trung nhiều hơn vào ngân hàng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng và thu dịch vụ. Thống kê cho thấy, tăng trưởng dịch vụ ở khối ngân hàng thương mại hiện vào khoảng 30%.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại việc ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng và dịch vụ sẽ làm giảm luồng tiền chảy vào sản xuất, kinh doanh.

Ông Lực cho rằng điều này không đáng lo. Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng tương đối thấp, hết năm 2018 mới đạt 14,9% tổng dư nợ của nền kinh tế, tương đương 1,4 triệu tỷ đồng, nếu tách phần tín dụng tiêu dùng mua nhà, sửa nhà thì chỉ tương đương 12%.

Trong đó, các ngân hàng đang cho vay tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 88%, chủ yếu là các khoản vay lớn như mua nhà, sửa nhà, còn các khoản nhỏ dưới 100 triệu đồng là các công ty tài chính cho vay, tương đương 8% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, còn lại 4% là các công ty mới xuất hiện như fintech, cho vay ngang hàng và các tổ chức tài chính vi mô.

Giải thích cho việc phân khúc khách hàng tương đối khác nhau giữa các nhóm cho vay, ông Lực cho rằng các ngân hàng cho vay tín dụng tiêu dùng mua nhà, sửa nhà phải theo đúng quy trình, quy định chặt chẽ của Luật Các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, các công ty tài chính, Fintech cho vay đơn giản hơn vì chấp nhận rủi ro và sẵn sàng cho khách hàng vay dưới chuẩn với các khoản vay nhỏ.

Còn nhiều room để phát triển

Tuy nhiên, ông Lực cũng nhấn mạnh: "Phát triển tín dụng tiêu dùng là cần thiết, tất nhiên phải lành mạnh và không biến tướng thành tín dụng đen. Để hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển, cần phải sớm sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định cho phù hợp với tình hình hiện nay".

Theo ông Lực, quy định về hoạt động của công ty tài chính đã có Thông tư 43 của NHNN về cho vay tiêu dùng có một số điều khoản không phù hợp với thời điểm hiện nay, đó là nhu cầu của người dân có nhiều sản phẩm đa dạng như cho vay đám hiếu, hỷ nên phải có gói vay này.

Do đó, nên phát triển hệ thống đại lý ngân hàng, cho phép một số công ty bán lẻ, trung tâm, siêu thị… đáp ứng đầy đủ các điều kiện, quy định được làm đại lý để cấp tín dụng thay mặt cho các công ty tài chính. Đây là cách tạo ra mạng lưới cho hệ thống tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh công nghệ tín dụng tiêu dùng ở khu vực nông thôn chưa phát triển.

Tuy nhiên, đó là giai đoạn quá độ, còn về lâu về dài, ông Lực cho rằng cần phải phát triển công nghệ để cho vay tiêu dùng phát triển tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân, từ đó giảm dần tín dụng đen.

Bên cạnh đó, đối với các công ty cho vay mới cần sớm có hành lang pháp lý đúng hơn, tốt hơn. "Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn thấp so với mức tăng trưởng bình quân của Trung Quốc là 21%, nhóm ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) khoảng 34%. Vì vậy, còn nhiều room để phát triển tín dụng tiêu dùng, trong bối cảnh tín dụng đen đang hoành hành", ông Lực cho hay.