Ngân hàng đa dạng hoá khách hàng “kích” tín dụng phục hồi

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Các ngân hàng thương mại tích cực lựa chọn phân khúc tiềm năng như xuất khẩu, năng lượng… để giải ngân, cộng với lãi suất cho vay ngày càng rẻ khiến tín dụng dần phục hồi. Dự báo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn ngành trên 10% vào cuối năm nay là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhìn vào báo cáo tài chính quý III/2020 của các ngân hàng có thể thấy, tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc hơn so với 2 quý đầu năm. Nguyên nhân một phần là dịch bệnh đang tạm thời được kiểm soát, một phần do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ đó là nhu cầu vay thường tăng cao những tháng cuối năm.

Tín dụng lấy lại đà tăng

Tính đến cuối tháng 9/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,09%. Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 9/2020, tín dụng đã tăng 1,34%, gần gấp đôi tốc độ tăng của tháng 8/2020. Dịch bệnh được kiểm soát, nhiều lĩnh vực kinh tế đang dần hồi phục, mặt bằng lãi suất giảm sâu, tính mùa vụ… là nguyên nhân khiến dòng chảy tín dụng lạc quan hơn trước.

Chẳng hạn, theo báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô của CTCK Rồng Việt (VDSC), nhiều nhóm ngành như thực phẩm, hóa chất, dược phẩm, máy móc thiết bị... đang phục hồi mạnh. Chỉ báo về hoạt động sản xuất - PMI cũng đã tăng trưởng lại trong khu vực vào tháng 9/2020 lên 52,2 thay vì chỉ còn 45,7 trong tháng 8/2020. Ngoài ra, ngành dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong quý III tăng trưởng tín dụng ở một số lĩnh vực đã đạt được kết quả tốt như nông nghiệp - nông thôn tăng 5% và xuất khẩu tăng 7%, kể cả lĩnh vực mà đánh giá là vẫn còn khó khăn như ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, điều hòa không khí, dịch vụ bán buôn bán lẻ đều có mức tăng trưởng tín dụng tích cực và cao hơn mức tăng chung là kết quả đáng khích lệ.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã được nới room tín dụng để tạo dư địa tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Đơn cử như: Techcombank, VPBank được nâng room tín dụng tới 19% - 23%; MBB điều chỉnh room tín dụng từ 11,75% lên 20%; VIB nới lên 12,5% so với hạn mức ban đầu; TPBank được tăng room lên 11,5%...

Báo cáo tài chính quý III/2020 mà nhiều ngân hàng TMCP vừa công bố cho thấy, tín dụng tăng trưởng khá khả quan. Cụ thể, VPBank tăng tín dụng 16,5% trong 9 tháng đầu năm, con số tại TPBank là 15,7% và tại VIB là 14,2%...

Khả năng tăng trưởng tín dụng đạt 10%

Theo các chuyên gia, sở dĩ tín dụng tăng trưởng cao so với bình quân chung toàn ngành là nhờ ngay từ đầu khi dịch bệnh bùng phát, nhóm khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, các ngân hàng đã chủ trương đa dạng hóa khách hàng, không quá tập trung vào một phân khúc nào. Bên cạnh đó các nhà băng đẩy mạnh mảng kinh doanh dịch vụ giúp bù vào phần sụt giảm từ tín dụng.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay: “Ngân hàng không chủ trương đi bằng một chân, mà đi đều các chân, nên khi một phân khúc bị ảnh hưởng, thì vẫn có các phân khúc bù. Chẳng hạn, du lịch, hàng không, vận tải… bị ảnh hưởng nặng nề, do đó dư nợ tín dụng từ khách hàng ở lĩnh vực này sẽ giảm, nhưng nhiều ngành vẫn có cơ hội tăng trưởng, nhất là ngành sản xuất các mặt hàng thiết yếu, năng lượng xanh… nên ngân hàng lại đẩy mạnh cho vay ở lĩnh vực này”.

Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, mặc dù 9 tháng qua các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ Covid-19, song nhờ có chính sách hợp lý mà nhà băng này đã giải ngân tín dụng khá thành công với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện năng lượng, tiêu dùng.

"Đến nay, tín dụng Sacombank đã tăng khoảng 8-9% so với đầu năm, con số này cao hơn hẳn mức trung bình toàn ngành. So với kế hoạch năm nay, ngân hàng chỉ còn khoảng 4-5% nữa là đạt room Ngân hàng Nhà nước giao", bà Diễm cho biết.

Ngoài ra, một số ngân hàng lại chuyển hướng sang tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi động lực đến từ khối này đang tăng mạnh 19,5%. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA được dự báo sẽ tiếp tục là động lực cho xuất khẩu của Việt Nam.

Thông qua các chương trình, gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho mảng năng lượng, xuất khẩu mà các ngân hàng đang triển khai, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng nguồn vốn hỗ trợ sẽ được đưa tới doanh nghiệp kịp thời. Qua đó, thúc đẩy tín dụng tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng cuối năm.

Các chuyên gia dự báo, với sự khởi sắc của thị trường và nhu cầu vay vốn tại ngân hàng tăng trong những tháng cuối năm. Dự báo, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn ngành trên 10% vào cuối năm nay là hoàn toàn có thể xảy ra.