Ngân hàng lựa phân khúc, tín dụng phục hồi nhanh hơn

Theo Hà Tâm/baodautu.vn

Các ngân hàng thương mại tích cực lựa chọn phân khúc tiềm năng để giải ngân cộng với lãi suất cho vay ngày càng rẻ khiến tín dụng dần phục hồi.

Tính đến cuối tháng 9/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,09%. Ảnh: Đức Thanh
Tính đến cuối tháng 9/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,09%. Ảnh: Đức Thanh

Tín dụng tăng mạnh trở lại từ cuối quý III/2020

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Agribank cho hay, tín dụng tại Ngân hàng đã khởi sắc hơn so với 2 quý đầu năm. Nguyên nhân một phần là dịch bệnh đang tạm thời được kiểm soát, một phần do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ (nhu cầu vay thường tăng cao những tháng cuối năm).

Báo cáo tài chính quý III/2020 mà nhiều ngân hàng TMCP vừa công bố cho thấy, tín dụng tăng trưởng khá khả quan. Cụ thể, VPBank tăng tín dụng 16,5% trong 9 tháng đầu năm, con số tại TPBank là 15,7% và tại VIB là 14,2%...

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho hay, sở dĩ tín dụng của TPBank vẫn tăng trưởng cao so với bình quân chung toàn ngành là nhờ ngay từ đầu, Ngân hàng đã chủ trương đa dạng hóa khách hàng, không quá tập trung vào một phân khúc nào.

“TPBank không chủ trương đi bằng một chân, mà đi đều các chân, nên khi một phân khúc bị ảnh hưởng, thì vẫn có các phân khúc bù. Nhờ vậy, Ngân hàng vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, chất lượng tài sản vẫn tốt. Từ đầu năm đến nay, nhiều ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, vận tải…, nhưng nhiều ngành vẫn có cơ hội tăng trưởng, nhất là ngành sản xuất các mặt hàng thiết yếu, năng lượng xanh…”, ông Hưng cho biết.

Tính đến cuối tháng 9/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,09%. Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 9/2020, tín dụng đã tăng 1,34%, gần gấp đôi tốc độ tăng của tháng 8/2020. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, với đà phục hồi hiện nay, tín dụng quý IV/2020 sẽ tăng trên 1% mỗi tháng. Như vậy, tín dụng cả năm sẽ tăng 9-10%/năm. 

Dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế dần khởi sắc, mặt bằng lãi suất giảm sâu, tính mùa vụ… là nguyên nhân khiến dòng chảy tín dụng lạc quan hơn trước. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang có thêm nhiều biện pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, tín dụng sẽ càng khởi sắc trong quý V/2020.

Ngân hàng lựa phân khúc, tín dụng phục hồi nhanh hơn - Ảnh 1
.

Lãi suất có thể giảm thêm

Mặt bằng lãi suất đã giảm khá sâu từ đầu năm đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại khi mới đây, nhiều ngân hàng tuyên bố giảm sâu thêm lãi suất. “Tôi nghĩ rằng, vẫn còn dư địa giảm lãi suất huy động vì 9 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản chưa đến 3%. Nếu so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm thì lãi suất thực dương khá cao”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, OCB phải xem xét nhiều điều kiện, yếu tố khác nhau mới quyết định giảm lãi suất huy động hay không. Còn lãi suất cho vay, nếu kinh doanh của Ngân hàng cải thiện, chi phí rủi ro giảm, thì vẫn có thể tiếp tục giảm.

Lãnh đạo OCB và nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng, giảm lãi suất không phải là yếu tố quan trọng nhất để “kích” tín dụng trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chính sách tiền tệ, lãi suất trong thời điểm hiện nay sẽ ít hiệu quả. Những ngành chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh sẽ không có nhu cầu vay, dù lãi suất có tiếp tục giảm thêm.

Vị chuyên gia này cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, dư địa chính sách tiền tệ có thể còn, nhưng việc tính toán dùng vào thời điểm nào và mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch, tránh việc sau dịch, khi nhu cầu tín dụng phục hồi mạnh, lãi suất bị đẩy lên đột ngột, gây bất ổn đến kinh tế vĩ mô.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đưa ra gợi ý, bên cạnh giảm lãi suất để kích cầu tín dụng, cần phải nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc pháp lý của từng nhóm doanh nghiệp, như doanh nghiệp bất động sản, để giúp các doanh nghiệp này có động lực vay vốn sản xuất, kinh doanh.

Có thể một năm nữa, lãi suất sẽ có trọng số cao hơn
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB
Dù có tác động nhất định, nhưng biến số lãi suất thời điểm này chiếm vai trò không lớn đối với tăng trưởng tín dụng như giai đoạn trước. Có thể, sau một năm nữa, khi kinh tế trở lại bình thường, thì lãi suất có trọng số cao hơn, tác động mạnh hơn đến tăng trưởng tín dụng. Còn thời điểm này, kiểm soát dịch bệnh, sớm có vắc-xin là động lực quan trọng nhất.