Ngân hàng rầm rộ số hoá

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều ngân hàng thương mại đã chạy đua đầu tư cho ngân hàng số, thậm chí coi đó là sự sống còn, bởi đây là xu hướng phát triển tất yếu chứ không chỉ là trào lưu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhu cầu sử dụng các dịch vụ công nghệ số đang bùng nổ và ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc. Trong cuộc đua số hóa này, bên cạnh ra mắt các sản phẩm, dịch vụ số, ngân hàng nào xây dựng hệ sinh thái, mạng lưới số tốt sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn các đối thủ.

Gia tăng trải nghiệm cho khách hàng

Mới đây, Vietcombank ra mắt ngân hàng số VCB Digibank cung cấp nhiều tiện ích mà khách hàng không cần đến điểm giao dịch như: trang bị hàng hoạt công nghệ xác thực đăng nhập hiện đại như Face ID (nhận diện khuôn mặt), Touch ID (cảm biến vân tay) và công nghệ mới là Push Authentication, giúp khách hàng có thể kiểm soát từng lần đăng nhập trên trình duyệt web. Đặc biệt, VCB Digibank tích hợp sẵn phương thức xác thực giao dịch qua Smart OTP, thay thế việc gửi mã xác thực qua SMS truyền thống.

Còn VietinBank có ứng dụng VietinBank iPay Mobile nâng cấp với 50 tính năng mới, mang đến cho khách hàng trải nghiệm thú vị về ngân hàng số. BIDV có Trung tâm ngân hàng số với các sản phẩm tiên tiến, hiện đại, hướng tới khách hàng và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ.

Không chỉ các NHTM quốc doanh đầu tư vào ngân hàng số mà các NHTM tư nhân cũng đang tăng tốc chạy đua công nghệ đưa ra nhiều sản phẩm sáng tạo. Cụ thể, Nam A Bank đã trở thành NHTM đầu tiên ứng dụng công nghệ robot vào giao dịch nhằm tăng trải nghiệm của người dùng. Ngân hàng này còn đầu tư VTM OPBA - máy giao dịch ngân hàng tương tác bằng hình ảnh, tích hợp ATM, mọi nhu cầu tài chính của khách hàng sẽ được đáp ứng mọi lúc mọi nơi: rút tiền, in, xem sổ phụ tài khoản, phát hành thẻ mà không cần tới ngân hàng.

Theo lãnh đạo ngân hàng này, trong thời gian gần đây, với chiến lược chuyển đổi số đang thực thi mạnh mẽ, ngân hàng đã chủ động đẩy nhanh việc hợp nhất các kênh giao dịch trực tuyến riêng rẽ. Bởi đây là cơ hội để nhà băng thực hiện đổi mới toàn diện về dịch vụ, mang những trải nghiệm mới cho khách hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự nỗ lực gia tăng ứng dụng số hoá của các ngân hàng không chỉ nhằm hưởng ứng, đồng hành với chủ trương thúc đẩy chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và NHNN, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, mà còn là đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ số hoá của khách hàng trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cần thêm cơ chế đặc thù

Theo đánh giá của các ngân hàng, Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhận thức, tư duy và hành động của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam đối với việc giao dịch trên nền tảng số. Đây là một trong những điều kiện quyết định tới sự thành công của việc chuyển đổi số trong các nhà băng, khi có sự hợp tác của người dùng.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, 4 tháng đầu năm 2020, thanh toán qua thẻ, internet và điện thoại di động đều tăng trưởng rất mạnh. Riêng thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Mỗi ngày hệ thống thanh toán của NHNN xử lý 17 tỷ USD giá trị giao dịch.

Một chuyên gia chia sẻ: “Covid-19 sẽ buộc các nhà băng xem xét lại việc mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa, giúp ngân hàng từng bước trở thành ngân hàng số, cung cấp tiện ích, trải nghiệm mới mẻ và đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng”.

Theo lãnh đạo Vietcombank, việc số hoá không chỉ dừng lại ở triển khai các dịch vụ ngân hàng trực tuyến hoặc di động, mà phải đảm bảo ứng dụng được các công nghệ hiện đại ở tất cả các cấp độ tác nghiệp và trên tất cả các nền tảng cung cấp sản phẩm, dịch vụ hay nói hình tượng là “số hoá là biến tất cả những gì có thể nhìn thấy thành không nhìn thấy…

Theo đó, các chức năng hỗ trợ hoat động trong các ngân hàng như quản trị rủi ro, quản lý nợ, phát triển sản phẩm, tiếp thị quan hệ công chúng đều phải được hoạt động trên cơ sở số hoá để biến một ngân hàng truyền thống trở thành ngân hàng số thực sự.

Chính vì những sự khác biệt sẽ ngày càng tăng lên trong thời gian tới trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đòi hỏi hệ thống chính sách cần kịp thời và phù hợp để các đơn vị phát triển dịch vụ ngân hàng số có cơ sở xây dựng, triển khai các dịch vụ có mức độ số hoá cao.

Thêm nữa, ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng cũng đồng nghĩa với đầu tư tương xứng về tài chính. “NHNN cũng như các cơ quan liên quan nên nghiên cứu, xem xét có cơ chế đặc thù cho các dự án số hoá từ giai đoạn nghiên cứu đến quá trình thử nghiệm, triển khai…”, chuyên gia nêu quan điểm.