Sắp tăng lãi suất?

Theo Lê Mỹ/diendandoanhnghiep.vn

Lần điều chỉnh loạt lãi suất điều hành gần nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN, SBV) là vào 30/9/2020, khi đó chính sách nới lỏng tiền tệ được thi triển để hỗ trợ nền kinh tế vượt dịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Từ đó đến nay, NHNN vẫn đang sử dụng các công cụ can thiệp trực tiếp và gián tiếp để kiểm soát khối lượng cung tiền tệ vào nền kinh tế theo đúng mục tiêu; chẳng hạn như giảm lãi suất tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bắt buộc xuống 0% từ đầu tháng 9/2021 (tuy nhiên việc điều chỉnh này rất nhỏ và hầu như không tác động đến giảm lãi suất vay); hay chấp thuận cho giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với VND, thời hạn từ tháng 8/2021 đến hết tháng 1/2022 đối với từng loại tiền gửi tại Agribank để qua đó khuyến khích vốn vay có điều kiện giá rẻ vào khu vực tam nông…

Gần đây, NHNN đã khởi động lại kênh tín phiếu sau hai năm đóng băng và liên tiếp thực hiện 4 phiên hút ròng từ 21-24/6  với quy mô lên tới khoảng 70.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, NHNN đã thực hiện bán ngoại tệ để can thiệp cung -cầu, một hành động điều tiết theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú là “rất bình thường, bán khi thị trường cần người can thiệp cuối và mua khi thị trường có lượng dư thừa”.

Lượng bán ngoại tệ trong tháng 5 theo số liệu của VDSC và SSI, là 7 tỷ USD. Một ghi nhận khác từ một chuyên gia, tổng hợp qua các đợt bán ngoại tệ có thể lên tới 11-12 tỷ USD, đưa lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam từ 110 tỷ USD về khoảng 100 tỷ USD. 

Như vậy qua 2 kênh phát hành tín phiếu lẫn bán ngoại tệ, một lượng lớn tiền tệ dư thừa trong hệ thống đã được NHNN hút về. 

Trong tháng 5/2022, NHNN đã hút 4,1 nghìn tỷ đồng ra hệ thống ngân hàng bằng các công cụ reverse Repo OMO. Nguồn: ACBS
Trong tháng 5/2022, NHNN đã hút 4,1 nghìn tỷ đồng ra hệ thống ngân hàng bằng các công cụ reverse Repo OMO. Nguồn: ACBS

Theo một chuyên gia, các động thái trên được cho là đã góp phần giải quyết thanh khoản dư thừa của các ngân hàng khi lượng tiền quá lớn không hấp thụ hết trên thị trường sau giai đoạn “bơm ròng” với lãi suất siêu thấp, song song đó tăng trưởng huy động tăng mạnh khi các kênh đầu tư khó khăn, tín dụng sau 6 tháng tăng mạnh mẽ có thể sẽ chậm lại chờ hạn mức mới… 

Trên trang cá nhân của mình, ông Trần Ngọc Báu, Founder kiêm CEO của WiGroup nhận định “SBV đã hành động”. Theo ông, với lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, thủng đáy mục tiêu, SBV sẽ hút tiền về bằng giải pháp bán đứt tín phiếu. “Tiền chảy về NHNN, hệ thống giảm sự dư thừa tiền, lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng trở lại vào vùng mục tiêu”.

Cũng theo các diễn biến của thị trường thông qua dữ liệu ghi nhận, ông Trần Ngọc Báu cho rằng “SBV đang không muốn duy trì một nền lãi suất thấp nữa và họ đã sẵn sàng hút bớt tiền dư thừa ngắn hạn trong hệ thống”; “NHNN phát biểu chưa tăng lãi suất nhưng họ khởi động lãi tín phiếu, như một bước để thăm dò lãi suất trong tương lai gần”.

Theo ghi nhận, lãi suất liên ngân hàng trong tuần 6-10/6, trước khi NHNN khởi động kênh tín phiếu, đã giảm ở hầu hết các kỳ hạn, trừ kỳ hạn 6 tháng tăng 9 điểm lên 4,06%. Tổng khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng theo đó cũng đạt 1.006 nghìn tỷ đồng, giảm 3,7% so với tuần trước. Trong đó kỳ hạn qua đêm và 1 tuần có khối lượng giao dịch chiếm 95,4% tổng khối lượng giao dịch của cả tuần.

Tuy nhiên, thấm dần những động thái của nhà điều hành, lãi suất bình quân liên ngân hàng tuần kế tiếp đã tăng ở hầu hết các kỳ hạn, trừ kỳ hạn qua đêm và 3 tháng. Tổng khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tuần qua đạt 1.016 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với tuần trước. Trong đó kỳ hạn qua đêm và 1 tuần có khối lượng giao dịch chiếm 94,9% tổng khối lượng giao dịch của cả tuần. Hiện lãi suất bình quân liên ngân hàng trên thị trường thời hạn qua đêm tại 23/6 đã ở mức 0,44%, nhích dần từ mức 0,37% của phiên liền trước.

Lãi suất liên ngân hàng đã giảm trong suốt tháng 5/2022. Nguồn: ACBS
Lãi suất liên ngân hàng đã giảm trong suốt tháng 5/2022. Nguồn: ACBS

Có thể thấy can thiệp của NHNN đang thực sự nhắm dần đưa lãi suất liên ngân hàng về lại vùng mong muốn. Tuy chưa thể “dò” được ngay ý chí của nhà điều hành song rõ ràng những diễn biến trên thị trường đang phát tín hiệu về một khả năng NHNN sẽ xem xét khởi động một thời kỳ tiền tệ thắt chặt, hoặc ít nhất cũng linh hoạt theo hướng không giữ nguyên khối cung tiền với mặt bằng lãi suất như hiện tại, trước sức ép lạm phát rất căng và VND cũng đang chịu áp lực giảm giá. 

Đã có nhiều chuyên gia phân tích lạm phát cao ở các quốc gia đến từ yếu tố cung tiền mạnh tay với các gói kích thích khổng lồ trong đại dịch COVID-19, điều mà Việt Nam không thực hiện tương tự. Cùng với đó là lạm phát chi phí đẩy và lạm phát kỳ vọng. Trong đó yếu tố lạm phát chi phí chiếm vai trò lớn và là biến số khi sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu và chiến sự Nga-Ukraine chưa chấm dứt, khiến các động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương sẽ chỉ giảm cung tiền nhưng thậm chí có thể đẩy nền kinh tế suy thoái. Dù vậy, việc tăng lãi suất vẫn được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt lạm phát.

“Những quyết sách và biến động vĩ mô - tiền tệ toàn cầu dù muốn hay không, vẫn tác động đến Việt Nam dù chúng ta đi sau, có thể lệch nhịp”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia Kinh tế nói với DĐDN. Theo đó, ông cho rằng NHNN sẽ phải ưu tiên duy trì ổn định vĩ mô, liên quan tính bền vững của cân đối ngân sách, sự lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng, từ đó duy trì điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt. 

Mức độ “linh hoạt” của NHNN liệu đã đến thời kỳ khởi động điều chỉnh loạt lãi suất điều hành, sau giai đoạn dài NHNN đã phải nỗ lực giữ nguyên ở mức thấp nhằm duy trì các chính sách hỗ trợ nền kinh tế vượt dịch và phục hồi sau dịch của Việt Nam, dẫn đến áp lực lên dòng chảy USD và theo đó là tỷ giá hối đoái?

Nhiều CTCK dự báo NHNN có khả năng sẽ tăng lãi suất trong 2 quý cuối năm. CTCK VNDirect cho rằng, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, dư địa để NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đang ngày một thu hẹp. "Đối với lãi suất điều hành, nếu có bất kỳ đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý 4/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5 điểm %".

Còn CTCK ACBS cũng đưa dự báo: “Lãi suất huy động ở các ngân hàng có thể tiếp tục tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản để bổ sung nguồn vốn trong nửa cuối năm 2022, thời điểm các ngân hàng thương mại được NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh cho vay vào dịp cuối năm”...