Tăng vốn điều lệ, ngân hàng nào sẽ dẫn đầu?

Theo Hà Phương/diendandoanhnghiep.vn

Năm 2021 chuẩn bị khép lại nhưng cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng, nhất là ngân hàng niêm yết chưa dừng lại, nhất là nhóm Big 3. Vậy ngân hàng nào sẽ dẫn đầu về tăng vốn điều lệ?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cuộc đua tăng vốn tiếp tục nóng trở lại trong những tháng cuối cùng của năm 2021 khi hàng loạt ngân hàng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức nhằm tăng vốn điều lệ.

Đầu năm 2021, BIDV là ngân hàng dẫn đầu thị trường về vốn điều lệ với hơn 40.220 tỷ đồng. Đứng sau là VietinBank, Vietcombank, Techcombank và VPBank chỉ đứng ở vị trí thứ 6. Tuy nhiên, đến thời điểm này, BIDV đã rơi xuống vị trí thứ ba, trong khi VietinBank và VPBank vươn lên dẫn đầu và thứ hai với vốn điều lệ lần lượt 48.058 tỷ và 44.455 tỷ. Nhưng trật tự này đã bắt đầu thay đổi khi những tháng cuối cùng của năm 2021 khi NHNN đã quyết định cho BDIV tăng vốn điều lệ bằng trả cổ tức cho cổ đông. Theo đó, BIDV sẽ chốt danh sách cổ đông ngày 24/12/2021 để chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 2% và chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25,77%. Ngày thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông là 24/1/2022.

Tại Vietcombank, ngân hàng chốt danh sách cổ đông ngày 23/12/2021 để trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 12%, cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 27,6%. Ngày chi trả cổ tức tiền mặt là 5/1/2022. Ngoài 2 ngân hàng trên, cổ đông VietinBank cũng sắp được nhận cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8%. Ngày đăng ký cuối cùng là 15/12/2021, ngày thực hiện thanh toán dự kiến là 17/1/2022. Theo kế hoạch đã được cổ đông thông qua, VietinBank sẽ tiếp tục thực hiện chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12,6% hoặc 17,7%, nâng vốn điều lệ lên trên 50.000 tỷ đồng.

Sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu thành công, BIDV sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống với hơn 50.585 tỷ đồng, sau đó là VietinBank và Vietcombank. Ngoài ra, Vietcombank cũng sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ quy mô 6,5% vốn điều lệ, nâng vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỷ đồng. Trong khi BIDV cũng tính kế hoạch chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ số cổ phiếu tương đương 8,5% vốn điều lệ.

Liên quan đến phương án tăng vốn, trước đó, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc BIDV, đã có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng vốn điều lệ cho BIDV. Đặc biệt là thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng... 

Vốn điều lệ của hệ thống các TCTD tính đến thời điểm này
Vốn điều lệ của hệ thống các TCTD tính đến thời điểm này

Đánh giá về dư địa tăng vốn của nhóm Big 3 Ngân hàng niêm yết, ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, khẳng định: Với việc tăng vốn điều lệ trong nhóm Big 3 ngân hàng niêm yết mà dẫn đầu là BIDV, trật tự trong nhóm ngân hàng đã có nhiều thay đổi. Theo  ông Hiếu, thời gian qua, do vốn mỏng lại gặp đại dịch COVID-19 và cộng với chức năng phải hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh khiến tăng trưởng của nhóm này chậm lại so với các nhóm ngân hàng cổ phần. Việc tăng vốn điều lệ cho nhóm này sẽ là động lực để nhóm này tiếp tục dành lại thị phần trong thời gian tới.

Liên quan đến thi phần tín dụng của nhóm Big 3 Ngân hàng niêm yết, mới đây Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhận định nhóm Big 3 NHTM Nhà nước đang niêm yết (gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank) chiếm khoảng 34% thị phần tín dụng. Tuy nhiên,  trong 9 tháng đầu năm thị phần tín dụng của nhóm này đã giảm tăng trưởng.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, thị phần của các ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm 0,81 điểm phần trăm trong khi ngân hàng tư nhân lớn nhất gồm Techcombank, VPBank, MB có mức tăng 0,74 điểm phần trăm.

Có thể nói, mức trần tăng trưởng tín dụng hạn chế do nền tảng vốn mỏng là nguyên nhân khiến tăng trưởng của nhóm Big 3 Ngân hàng thương mại nhà nước thấp hơn bình quân ngành. Do vậy, với yêu cầu cấp thiết cho nhóm này là tăng vốn và cuộc đua dẫn đầu tăng vốn điều lệ hiện nay sẽ thuộc về BIDV.