Thúc đẩy tổ chức tín dụng tìm kiếm thị trường cho vay

Theo Hải Nam/thoibaonganhang.vn

Giới chuyên gia cho rằng, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, đặc biệt là giảm lãi suất đối với những khoản tiền gửi vượt dự trữ về mức 0% là công cụ thúc đẩy các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tăng cường tìm kiếm bạn hàng để cho vay vốn ra xã hội thay vì gửi tạm thời trong Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 6/8 vừa qua, NHNN đã công bố Quyết định giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các TCTD từ 1% xuống còn 0,5%; lãi suất đối với tiền gửi vượt quy định dự trữ bắt buộc lãi suất cũng giảm về mức 0%. Bên cạnh đó, tiền gửi bằng VND tại NHNN của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, NHCSXH, QTDND và tổ chức tài chính vi mô lãi suất cũng được điều chỉnh giảm 0,2% về mức 0,8%; tiền gửi tại NHNN của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cũng giảm 0,2% về mức 0,8%.

Đây là lần thứ hai trong năm 2020 NHNN giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các TCTD. Lý giải cho động thái này NHNN Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, NHNN Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định, lạm phát được kiểm soát và mặt bằng lãi suất trên thị trường đã giảm nhiều so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế, NHNN đã ban hành các quyết định điều chỉnh lãi suất nêu trên.

Hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND của các QTDND và tổ chức tài chính vi mô là 0%. Trong khi đối với Agribank và TCTD khác, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND là 3% đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng; 1% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Mặc dù, dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm đến nay, nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, tiền gửi dân cư vào các TCTD vẫn tăng đều qua các tháng. Đơn cử, số liệu thống kê của NHNN Việt Nam tính đến ngày 28/7 tổng nguồn vốn huy động của toàn hệ thống tăng 5,31% so với cuối năm 2019, trong khi tăng trưởng tín dụng tăng 3,45%. Theo các chuyên gia kinh tế, tín dụng tăng trưởng chậm trong những tháng qua là do dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, kéo theo nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân giảm mạnh.

Sau một thời gian tạm lắng, hiện dịch Covid-19 đã quay lại từ cuối tháng 7 vừa qua, song Chính phủ xác định “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”. Bởi vậy, giới chuyên gia nhận định, nhu cầu tín dụng sẽ tăng nhanh hơn trong những tháng cuối năm. Thấu hiểu điều đó, hệ thống ngân hàng sẵn sàng cung ứng vốn cho những phương án kinh doanh tốt đang cần vốn, đặc biệt là những lĩnh vực vẫn hoạt động tốt trong dịch như sản xuất điện tử, dược phẩm, lương thực thực phẩm… Chẳng hạn ở TP. Hồ Chí Minh trong 7 tháng đầu năm nay, tín dụng đối với các lĩnh vực trên có mức tăng lần lượt 18,6%, 7,4%, 4,5%.

Giới chuyên gia cho rằng, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, đặc biệt là giảm lãi suất đối với những khoản tiền gửi vượt dự trữ về mức 0% là công cụ thúc đẩy các TCTD phải tăng cường tìm kiếm bạn hàng để cho vay vốn ra xã hội thay vì gửi tạm thời trong NHNN.

Đặc biệt hiện thanh khoản hệ thống đang khá dồi dào, bằng chứng lãi suất liên ngân hàng đứng ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo thống kê của NHNN, trong tuần cuối tháng 7, lãi suất cho vay qua đêm bình quân chỉ ở mức 0,21%/năm, 1 tuần là 0,34%/năm; 2 tuần là 0,52%/năm.

Thanh khoản dồi dào, trong khi tín dụng tăng chậm là cơ hội để các ngân hàng giảm sâu lãi suất huy động và cơ cấu lại nguồn vốn, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, hiện lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7 - 4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4- 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0 - 7,3%/năm.

Theo một chuyên gia tài chính ở TP. Hồ Chí Minh, NHNN giảm lãi suất về 0% đối với tỷ lệ vượt tiền gửi dự trữ bắt buộc sẽ tạo động lực mạnh hơn cho nguồn vốn luân chuyển vào hỗ trợ sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2020. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ chỉ đạo ngành Ngân hàng trong năm 2020 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống từ 10% trở lên.

Đồng quan điểm như vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia ngân hàng cho rằng, dịch Covid-19 sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến DN Việt Nam. Vì vậy, việc hạ lãi suất nói trên là hành động để thúc đẩy sự hỗ trợ của TCTD đến khách hàng và đưa tiền ra thị trường. Hạ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là phù hợp trong bối cảnh ngân hàng đang cho vay ra ít, trong khi lượng tiền gửi lớn. Đồng thời, việc này cũng là tín hiệu để các ngân hàng giảm lãi suất huy động về mức thấp, khi không có áp lực hút tiền gửi, hướng đến giảm lãi suất cho vay.