Ngăn trả giá “trên trời” rồi bỏ cọc!

Theo daibieunhandan.vn

Sau Tân Hoàng Minh, đến lượt Công ty Bình Minh xin bỏ cọc lô đất ở Thủ Thiêm mà doanh nghiệp này đã trúng đấu giá với số tiền 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm. Những tác động xấu đến thị trường đất đai và hệ lụy để lại về mặt chính sách cho thấy, cần những điều chỉnh sớm về pháp lý để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn trong tương lai.

Đã có 2 doanh nghiệp bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm. Ảnh: laodong.vn
Đã có 2 doanh nghiệp bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm. Ảnh: laodong.vn

Theo thông tin từ Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 8/2, chưa có doanh nghiệp nào trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đóng tiền đợt 1, dù đã hết hạn. Chiểu theo quy định hiện hành, quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá thì vi phạm hợp đồng mua bán. Khi đó, cơ quan chức năng sẽ hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá và người trúng không được nhận lại tiền cọc. Tiền cọc sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, trường hợp các doanh nghiệp trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm đều bỏ cọc, ngân sách sẽ thu về hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy ngân sách “bỗng dưng hưởng lợi” song việc doanh nghiệp trả giá “trên trời” rồi thản nhiên bỏ cuộc chơi để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Hệ lụy không đơn giản là việc Nhà nước phải mất công sức và thời gian tổ chức đấu giá lại; nhiễu loạn thị trường đất đai mới là cái giá phải trả lớn hơn.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp có thể lợi dụng các phiên đấu giá nhằm nâng khống giá và tạo ra các cơn sốt đất, ảnh hưởng đến mặt bằng giá và làm nhiễu loạn thị trường. Một ví dụ là ở Thủ Thiêm, sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá 4 lô đất, Bộ Xây dựng ghi nhận giá rao bán đất nền, nhà ở khu vực này đã đồng loạt tăng.

Tiếp theo đó, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức khác sẽ lợi dụng để trục lợi, tăng giá đất để làm sạch báo cáo tài chính, yêu cầu định giá lại tài sản, đòi hỏi gia tăng, bổ sung khoản vay. Ngoài ra, các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chân chính và có tiềm lực thực sự cũng chịu tác động tiêu cực, bị mất cơ hội trong cuộc đấu giá; còn người dân khó có cơ hội mua được nhà ở khi mặt bằng giá cả bị đẩy lên cao do tham chiếu từ kết quả đấu giá…

Chuyện trả giá trên trời rồi bỏ cọc không phải bây giờ mới xảy ra và cũng không phải chỉ có ở Thủ Thiêm. Những năm gần đây, “kịch bản” này được “sử dụng” ở nhiều địa phương trên cả nước nhằm gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi. Vì vậy, bên cạnh xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trong đấu giá đất thì việc hoàn thiện quy định hàng rào kỹ thuật trong đấu giá là rất cấp bách.

Ví dụ, Luật Đấu giá tài sản cần được sửa đổi, trong đó mức nâng tiền cọc tối thiểu và tối đa, thay vì mức 5% và 20% như hiện tại. Đồng thời, bổ sung biện pháp ngăn chặn đối với những doanh nghiệp với nhiều lần bỏ cọc trúng đấu giá; bổ sung điều kiện để đánh giá đúng năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá.

Như Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp này không phải chỉ bỏ cọc ở Thủ Thiêm mà đã nhiều lần xin rút lui sau khi đấu giá. Hay Công ty Bình Minh mới thành lập tháng 9/2021, vốn điều lệ tại thời điểm mới ra đời là 100 tỷ đồng. Trước phiên đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm đúng 1 tuần, Công ty này tăng vốn lên 200 tỷ đồng - vẫn thấp hơn nhiều so với số tiền hơn 5.000 tỷ đồng doanh nghiệp này đấu giá sau đó.

Đấu giá đất đai vẫn là cách tiếp cận chính sách hợp lý để tăng hiệu quả thị trường, tăng nguồn thu ngân sách. Không nên vì các trường hợp nêu trên mà định hướng và thực thi công việc này phải dừng lại. Điều cần hoàn thiện để nhanh chóng “bịt lỗ hổng” là bổ sung gấp các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn những doanh nghiệp trục lợi.