Tháng 7/2021:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm
Tháng 7/2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chỉ đạt trên 6.200 tỷ đồng, giảm 14,2% so với tháng 6 và 15,8% so cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 56.522 tỉ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 48.205 tỉ đồng, tăng 10,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 5.025 tỉ đồng, tăng 18,2%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 3.292 tỉ đồng, tăng 26,74% so cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 7/2021, hầu hết hoạt động dịch vụ, thương mại không bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh buộc phải tạm dừng, điều này làm cho doanh thu của các ngành đều có mức giảm mạnh. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu qua đường tiểu ngạch Trung Quốc cũng giảm mạnh (thanh long, chanh) do phía Trung Quốc đóng cửa khẩu để phòng, chống dịch bệnh lây lan.
Tuy ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, nhất là chợ truyền thống tạm dừng, ngành Công Thương đã phối hợp doanh nghiệp tổ chức nhiều điểm bán hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, có 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia điểm bán gạo bình ổn, đồng hành cùng người dân trong thời điểm khó khăn.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như thông tin về điều kiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai; triển khai, thực hiện hướng dẫn phòng, chống dịch tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ; phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy (luồng xanh); tạo điều kiện cho phương tiện và người được lưu thông qua, lại nội tỉnh trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg; giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lưu thông hàng hóa.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Công Thương tiếp tục tập trung kiểm tra, theo dõi diễn biến của dịch COVID-19 để kịp thời triển khai nhiệm vụ, giải pháp của ngành trong công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, nhất là đối với công tác hậu kiểm.
Song song đó, ngành phối hợp Cục Quản lý thị trường theo dõi, giám sát việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các mặt hàng thiết yếu để kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm tránh để doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ lợi dụng dịch bệnh tăng giá không hợp lý, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.