Ngành bảo hiểm đo đếm cú sốc mang tên Hanjin

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Sự phá sản của “đại gia” vận tải biển Hàn Quốc Hanjin Shipping và cũng là hãng tàu hiện chiếm 5% thị phần vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vận tải biển, kế hoạch xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mà dự báo sẽ có tác động nhất định đối với các doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai bảo hiểm hàng hóa vận chuyển tại Việt Nam.

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như doanh nghiệp xuất nhập khẩu sau sự kiện hãng vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc Hanjin Shipping phá sản.
Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như doanh nghiệp xuất nhập khẩu sau sự kiện hãng vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc Hanjin Shipping phá sản.

Hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang thu thập thông tin từ các hệ thống phân tích rủi ro để có biện pháp xử lý. Về cơ bản, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không bị ảnh hưởng nặng nề bởi “cú sốc Hanjin” như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam thông thường chỉ bảo hiểm các tổn thất vật chất hàng hóa, do đó, nếu hàng hóa không bị hư hại thì hãng bảo hiểm cũng không phải bồi thường.

Đối với các sản phẩm truyền thống (bảo hiểm rủi ro), đa phần đã loại trừ tổn thất từ rủi ro phá sản, mất khả năng thanh toán…, do vậy, các thiệt hại này sẽ không được bảo hiểm theo đơn vận chuyển hàng hóa. Chủ hàng trong trường hợp này có thể phải tự gánh chịu cho các thiệt hại, mất mát có thể xảy ra. 

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện PVI cho biết, việc phá sản của Hanjin Shipping không ảnh hưởng đến các đơn bảo hiểm hàng hóa của PVI, vì đơn bảo hiểm hàng hóa bảo hiểm cho các tổn thất phát sinh đối với hàng trong quá trình vận chuyển.

“Tất nhiên, đối với những hãng bảo hiểm đang có những đơn bảo hiểm liên quan trực tiếp đến các lô hàng được chuyên chở bằng tàu của  Hanjin Shipping, thì sự kiện này có thể có những ảnh hưởng đến các đơn bảo hiểm vận chuyển tổng hợp (forwarder/logistics).

Trách nhiệm bảo hiểm sẽ phụ thuộc vào từng đơn bảo hiểm cụ thể và các tổn thất/trách nhiệm phát sinh từ vụ việc”, đại diện một công ty bảo hiểm có thế mạnh về bảo hiểm hàng hải phát biểu và cho biết thêm, một số trường hợp công ty bảo hiểm cung cấp những sản phẩm về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (như trách nhiệm của công ty giao nhận,…) có thể đối diện với các khiếu nại liên quan và tùy thuộc vào phạm vi bảo hiểm của từng trường hợp cụ thể để xác định trách nhiệm thuộc đơn bảo hiểm…

Theo nhận định của một chuyên gia trong ngành, mặc dù chưa có xác nhận về ảnh hưởng trực tiếp từ các đơn bảo hiểm liên quan trong việc Hanjin Shipping phá sản, nhưng đã có dự báo rằng, nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa cũng sẽ bị tác động ít nhiều, nếu sự kiện này dẫn theo việc cước vận tải tăng, nên phí bảo hiểm nghiệp vụ này cũng phải thay đổi.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, thị trường bảo hiểm hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2016 giảm mạnh so với cùng kỳ 2015 do sự suy giảm của lượng hàng hóa vận chuyển.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đang chiếm thị phần chủ lực trong phân khúc này dù thời gian qua rất nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và mở rộng khai thác nghiệp vụ được đánh giá là còn nhiều tiềm năng này, nhưng do thị trường suy giảm, nên cũng bị ảnh hưởng.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) 6 tháng đầu năm nay cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm gốc của bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt hơn 1.058 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang dẫn đầu trong lĩnh vực này là Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, PJICO… Cũng theo thống kê này, Samsung Vina là hãng bảo hiểm nước ngoài có thị phần doanh thu lớn trong mảng nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa vận chuyển.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia trong ngành nói rằng, tuy không “nổi” như bảo hiểm cơ giới, nhưng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển cũng là một trong những nghiệp vụ ngày càng cạnh tranh gay gắt.

Các hãng bảo hiểm trong nước không chỉ phải cạnh tranh với nhau về thị phần doanh thu, mà còn phải cạnh tranh với các hãng bảo hiểm nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn, cũng như lợi thế khách hàng là doanh nghiệp từ chính quốc.

Dù hiện tại thị phần của mảng nghiệp vụ bảo hiểm này vẫn do các doanh nghiệp bảo hiểm Top đầu của Việt Nam nắm giữ, nhưng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển cũng là một trong những mảng chiến lược của những hãng bảo hiểm nước ngoài như Samsung Vina, AIG hay MSIG…

“Khoảng 2 năm trở lại đây, mảng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển là mảng đem lại doanh thu phí khá ổn định. Nghiệp vụ này hiện đang chiếm 10% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của công ty.

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển là mảng khá quan trọng và đang được coi là phân khúc cần đẩy mạnh trong chiến lược phát triển kinh doanh của chúng tôi”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.