Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 20 - 25/6/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 như sau:

- GDP tăng 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8 - 10%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.

- Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước dự kiến 1.165.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 932.000 tỷ đồng, thu dầu thô 45.000 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu là 182.000 tỷ đồng, thu viện trợ không hoàn lại là 3.000 tỷ đồng và thu từ các nguồn khác là 3.000 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 1.395.500 tỷ đồng.

Quỹ bình ổn - giá xăng dầu

Trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (15 giờ ngày 20/6), quỹ bình ổn giá (BOG) của Petrolimex còn dư khoảng 1.487 tỷ đồng, giảm 163 tỷ đồng so với ngày 04/6. Sau khi áp dụng Quỹ bình ổn, các mức giá trần của xăng Ron 92 là 16.168 đồng/lít; xăng E5 là 15.647 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 12.298 đồng/lít; dầu hỏa là 10.667 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 8.741 đồng/kg. Trước đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp đầu mối giảm giá bán lẻ mặt hàng xăng Ron 92 tối đa là 341 đồng/lít, xăng sinh học E5 giảm 336 đồng/lít; tăng giá dầu diesel 0,05S thêm 390 đồng/lít, dầu hỏa tăng 370 đồng/lít và dầu mazút 3,5S tăng 350 đồng/kg. Đây là lần giảm giá xăng đầu tiên sau 5 lần tăng giá xăng gần đây nhất và là lần giảm giá xăng thứ 5 trong năm 2016; là lần tăng giá thứ 6 liên tiếp đối với mặt hàng dầu.

(Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex)

Doanh nghiệp

Báo cáo Doing Bussiness 2016 của Ngân hàng Thế giới cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế, chưa kể phí và các khoản chi phí khác. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) ngày 21/6, chi phí thuế và bảo hiểm bắt buộc chiếm gần 40% lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong đó, chi phí thuế chỉ chiếm hơn 14,5% còn bảo hiểm bắt buộc chiếm tới gần 25%. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ nộp thuế trên lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam ở mức thấp. Mặc dù vậy, mức bình quân về tỷ suất thuế, bảo hiểm bắt buộc trên lợi nhuận doanh nghiệp của các nước ASEAN-6 là 31%, thấp hơn Việt Nam (35,5%), do tỷ lệ đóng góp của bảo hiểm bắt buộc ở Việt Nam cao gấp đôi so với ASEAN-6 (23,7% so với 11%).

Woori Bank (ngân hàng lớn nhất của Hàn Quốc về tài sản tính đến cuối tháng 3/2016) dự kiến thành lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam trong tháng 7/2016. Nếu được cấp phép, Woori Bank sẽ là cầu nốihỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với sự góp mặt của nhiều tập đoàn lớn như Samsung Electronics, LG Electronics, Kumho Construction, Posco Group, Hanjin Logistics, Kumho Tire...

Ngày 22/6, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) đã chính thức triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính năm 2016 thông qua 3 ngân hàng nhận ủy thác là Vietcombank, BIDV và HDBank với lãi suất cố định 7%/năm trong suốt thời hạn vay vốn (7 năm), tổng hạn mức của các chương trình là560 tỷ đồng.

SMEDF triển khai 4 chương trình cho vay bao gồm: (i) Hỗ trợ đổi mới sáng tạo với hạn mức 100 tỷ đồng; (ii) Hỗ trợ tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông lâm thủy sản, hạn mức 210 tỷ đồng; (iii) Hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử và cơ khí, hạn mức 150 tỷ đồng; (iv) Hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành quản lý và xử lý rác thải, nước thải với hạn mức 100 tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2017 - 2020, mỗi năm tăng thêm khoảng 10% số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo chiếm khoảng 20 - 30%.

Tổng cầu


Đầu tư

ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua những khoản vay chính phủ trị giá khoảng 1 tỷ USD/năm, đồng thời xây dựng chiến lược đối tác quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 nhằm giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững. Theo đó, ADB sẽ hỗ trợ mở rộng các trung tâm y tế cộng đồng và tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế so với mức 76% hiện nay; giúp Việt Nam cải thiện chất lượng giáo dục trung học và mở rộng hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo kỹ thuật, dạy nghề; hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, truyền tải và phân phối điện năng, năng lượng tái tạo… (Theo Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB - Takehiko Nakao ngày 17/6)

Chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp tư nhân của nước này đầu tư dự án có tổng vốn 192 triệu USD nhằm giúp tầng lớp trung lưu Việt Nam mua nhà ở lâu dài. Theo đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ cấp một nửa số vốn trên dưới dạng khoản vay lãi suất thấp để các định chế tài chính của Việt Nam cho khách hàng vay mua nhà trong thời hạn 15 - 20 năm với lãi suất cố định. (Theo Hãng Nikkei)

Xuất nhập khẩu

Trong 5 tháng đầu năm 2016, lượng gạo xuất khẩu đạt 2,282 triệu tấn, tăng 9,71% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó trị giá FOB tăng 11,29%, trị giá CIF tăng 12,29%; giá FOB bình quân tăng 6,06 USD/tấn. Dự kiến xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm đạt 2,732 triệu tấn; 6 tháng cuối năm xuất khẩu thêm 2,97 triệu tấn. Như vậy, tổng lượng xuất khẩu gạo năm 2016 sẽ tương đương năm 2015.(Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam)

5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 140 triệu USD thuốc trừ sâu Trung Quốc, riêng trong tháng 5 là 27 triệu USD. Nguyên nhân là do thuốc trừ sâu Trung Quốc phù hợp với nông vụ của Việt Nam, giá cạnh tranh, thủ tục nhập khẩu đơn giản. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam dành ít nhất gần nửa tỷ USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Trung Quốc, trong đó năm 2014, Việt Nam chi 411 triệu USD; năm 2015 là 376 triệu USD. (Theo Tổng cục Hải quan)

Trong nửa đầu tháng 6, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 7,05 tỷ USD; lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/6 đạt gần 74,45 tỷ USD. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong nửa đầu tháng 6 đạt hơn 7,33 tỷ USD; lũy kế từ đầu năm đạt gần 73,09 tỷ USD. Như vậy, trong nửa đầu tháng 6 nền kinh tế nhập siêu 285 triệu USD. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm, nền kinh tế vẫn xuất siêu hơn 1,36 tỷ USD. (Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan)

Cân đối vĩ mô


Lạm phát

CPI tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng 5 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu do chịu tác động mạnh của việc tăng giá xăng dầu ngày 20/5 và ngày 04/6; thời tiết nắng nóng khiến giá các mặt hàng thuộc nhóm ăn uống ngoài gia đình tiếp tục tăng. Bình quân 6 tháng đầu năm 2016, CPI đã tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Tổng cục Thống kê)

Kiều hối

Trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh qua các kênh chính thức ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu đầu tư vào hoạt động sản xuất - kinh doanh thay vì đầu tư vào các kênh bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm. Dự kiến lượng kiều hối chuyển về địa bàn trong năm 2016 đạt khoảng 5,7 tỷ USD. Trong giai đoạn 2011 - 2015, lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh tăng bình quân 10 - 12%/năm. (Theo Ngân hàng Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh)

Lao động

Trong 5 tháng đầu năm 2016, cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 613.800 lao động (không tính số lao động xuất khẩu làm việc tại nước ngoài), đạt 38% kế hoạch và bằng 96% so với cùng kỳ năm 2015, góp phầngiảm tỷ lệ thất nghiệp trong quý 1/2016 xuống còn 2,23%. (Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Thuế

Cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan hướng tới đạt trung bình của nhóm nước ASEAN-4, gồm các nhóm chỉ tiêu như hoàn thuế, quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế; rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu; bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.Mục tiêu đến năm 2020, thời gian nộp thuế tối đa 110 giờ/năm, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối hàng hóa xuất khẩu và 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.(Theo Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính tại buổi họp báo chuyên đề ngày 20/6)

Sau 5 năm cải cách, ngành Thuế đã giảm được 63 thủ tục và đơn giản hóa được 262 thủ tục trên tổng số 456 thủ tục, hiện tại thủ tục hành chính thuế vẫn còn 393 thủ tục. Như vậy, thời gian thực hiện thủ tục thuế đã giảm khoảng 420/530 giờ, 78% lượng thời gian và tiết kiệm hơn 7.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo ra nguồn vốn, động lực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. (Theo Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính ngày 21/6)

Tín dụng

Trong tuần từ 13 - 17/6/2016:

- Tổng doanh số giao dịch bằng VND trên thị trường liên ngân hàng đạt khoảng 106.291 tỷ đồng (bình quân 21.258 tỷ đồng/ngày), tăng 19.344 tỷ đồng so với tuần từ 06 - 10/6/2016; tổng doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND đạt 53.168 tỷ đồng (bình quân khoảng 10.634 tỷ đồng/ngày), giảm 10.674 tỷ đồng so với tuần từ 06 - 10/6/2016.

- So với tuần từ 06 - 10/6/2016, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng: (i) Đối với các giao dịch bằng VND, giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt, trong đó kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt xuống 1,2%/năm, 1,53%/năm và 2,9%/năm; (ii)Đối với các giao dịch USD kỳ hạn 2 tuần không đổi (0,56%/năm); các kỳ hạn chủ chốt còn lại đều giảm, trong đó kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt xuống 0,43%/năm, 0,48%/năm và 0,74%/năm.

(Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 23/6)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 3 ngày giảm giá và 2 ngày tăng giá, giá vàng SJC đã giảm tổng cộng khoảng 420 - 490 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (25/6), giá vàng được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh là 34,65 - 35,15 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 34,65 - 35,17 triệu đồng/lượng, giảm 150 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

- Tập đoàn Doji: 34,02 - 34,12 triệu đồng/lượng, tăng 760 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 960 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 34,8 - 35 triệu đồng/lượng, tăng 790 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 910 nghìn đồng chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã giảm 28 đồng với 2 ngày giảm giá và 4 ngày tăng giá. Trong ngày giao dịch cuối tuần (25/6), tỷ giá trung tâm là 21.845 đồng/USD, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh tăng.

- Vietcombank: 22.295 - 22.365 đồng, tăng 25 đồng chiều mua vào và tăng 15 đồng chiều bán ra.

- BIDV: 22.310 - 22.380 đồng/USD, tăng 30 đồng chiều mua vào và tăng 20 đồng chiều bán ra.

- Vietinbank: 22.270 - 22.370 đồng/USD, giảm 15 đồng chiều mua vào và tăng 15 đồng chiều bán ra.

- Eximbank: 22.300 - 22.370 đồng/USD, tăng 20 đồng ở cả hai chiều.

- Techcombank: 22.290 - 22.370 đồng, tăng 10 đồng chiều mua vào và tăng 20 đồng chiều bán ra.

- DongABank: 22.300 - 22.380 đồng, tăng 20 đồng chiều mua vào và tăng 30 đồng chiều bán ra.

- ACB: 22.300 - 22.380 đồng, không điều chỉnh tỷ giá.

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Trong tuần từ 20 - 24/6/2016, HNX đã tổ chức 2 phiên đấu thầu TPCP. Cụ thể:

- Ngày 21/6, HNX đã tổ chức đấu thầu TPCP bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 2.000 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 3 năm (600 tỷ đồng); 5 năm (1.200 tỷ đồng); 15 năm (200 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 600 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 5,7%/năm.

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 1.200 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 6,4%/năm.

+ Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 200 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 8,1%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 24/6/2016, KBNN đã huy động thành công 4.150 tỷ đồng TPCP bảo lãnh.

- Ngày 22/6, HNX đã tổ chức đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 13.363 tỷ đồng, gồm 4 loại kỳ hạn: 5 năm (4.520 tỷ đồng); 7 năm (4.900 tỷ đồng); 10 năm (2.000 tỷ đồng) và 15 năm (1.943 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 4.520 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 6,67%/năm.

+ Kỳ hạn 7 năm: Huy động được 2.400 tỷ đồng (48,9%),lãi suất trúng thầu 6,68%/năm.

+ Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 750 tỷ đồng (37,5%),lãi suất trúng thầu 6,94%/năm.

+ Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 1.300 tỷ đồng (66,9%), lãi suất trúng thầu 7,65%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 24/6/2016, KBNN đã huy động thành công 178.570,8566 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 20 - 24/6/2016, hai chỉ số chứng khoán chính của thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực giảm giá khi cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi EU. Tuy nhiên, nhóm các cổ phiếu lớn trên thị trường như cổ phiếu dầu khí, bất động sản, xây dựng, mía đường… tăng mạnh đã hỗ trợ VN-Index tăng điểm. Tính chung cả tuần:

- VN-Index tăng 1,37 điểm (0,22%) lên 620,62 điểm. So với tuần từ 13 - 17/6/2016, tổng khối lượng giao dịch bình quân 1 phiên đạt145,57triệu đơn vị, tăng15,85%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt2.764,6tỷ đồng, tăng22,57%.

- HNX-Index giảm 0,3 điểm (0,35%) xuống 83,62 điểm. So với tuần từ 13 - 17/6/2016, tổng khối lượng giao dịch bình quân 1 phiên đạt64,04triệu đơn vị, tăng23,05%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt834,27tỷ đồng, tăng29,68%.

Nhà đầu tư nước ngoài tuần qua giảm mạnh giao dịch và trở lại trạng thái mua ròng. Tính chung trên hai sàn,khối ngoại đã mua ròng 3,12 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 58,97 tỷ đồng; trong khi tuần trước (13 - 17/6/2016) bán ròng 36,9 triệu đơn vị, trị giá 571,46 tỷ đồng.

- HOSE:Khối ngoại đã thực hiện 2 phiên bán ròng và 3 phiên mua ròng. Tính chung, khối này đã mua ròng 6,46 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 86,22 tỷ đồng.

- HNX:Khối ngoại thực hiện 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng. Tính chung cả tuần, khối này đã bán ròng 3,34 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 27,25 tỷ đồng, gấp 3,4 lần về khối lượng và 7,6 lần về giá trị so với tuần từ 13 - 17/6/2016.

Bất động sản

Trong tháng 5/2016, giá bán sơ cấp của một số dự án đã tăng khoảng 5 - 7% so với tháng 1/2016; giá bán thứ cấp tăng khoảng 10 - 15%. Dự báo trong nửa cuối năm 2016, thị trường bất động sản sẽ hồi phục do lãi suất cho vay của ngân hàng có khả năng giảm nhẹ sẽ tác động tốt đến tâm lý khách hàng. (Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - VNREA)

Nguồn cung nhà ở cao cấp đang nhiều hơn nguồn cung nhà bình dân, trong khi đại bộ phận người dân có nhu cầu mua nhà giá trung bình, diện tích trung bình và nhỏ. Dự báo trong nửa cuối năm 2016, thị trường sẽ dư thừa nguồn cung căn hộ cao cấp, thiếu nguồn cung nhà bình dân. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện làn sóng đầu cơ gây bất ổn thị trường, do số lượng nhà đầu tư thứ cấp có xu hướng tăng, nhiều người dân đầu tư mua nhà cho thuê. (Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản)

Đàm phán - Ký kết

Bộ Công Thương và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO)

Bộ Công Thương và UNIDO ngày 17/6 đã khởi động dự án "Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng chiến lược ngành công nghiệp và các chính sách liên quan thông qua xây dựng năng lực thể chế”.

- Mục tiêu: Cải thiện chất lượng của chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam; soạn thảo các báo cáo công nghiệp cho khu vực công và tư; đề xuất chiến lược ngành và các chính sách cụ thể nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam, qua đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, giảm đói nghèo và cải thiện bất bình đẳng thông qua việc tạo thêm việc làm mới trong lĩnh vực công nghiệp.

- Lộ trình: Dự án được thực hiện trong 36 tháng, với tổng vốn gần 1,1 triệu USD, gồm: Vốn ODA 980.000 USD do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua UNIDO, vốn đối ứng của Việt Nam là 100.000 USD được đóng góp bằng hiện vật.

Việt Nam và Nga

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế quốc tế lần thứ 20 diễn ra từ ngày 16 - 18/6 tại thủ đô phía Bắc Saint-Peterburg của Liên bang Nga, Tập đoàn dầu khí Rosneft của Liên bang Nga đã ký hợp đồng cung cấp dầu khí với Tổng Công ty dầu Việt Nam Petrovietnam Oil Corporation (PV Oil), công ty con của Petrovietnam. Theo đó, từ nửa cuối năm 2016 đến năm 2040, Rosneft sẽ cung cấp cho Việt Nam lượng dầu lên tới 96 triệu tấn. Đây được xem là một trong những hợp đồng lớn nhất của Rosneft từ trước tới nay, nằm trong chiến lược mở rộng các đối tác tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương của Liên bang Nga.

Chính sách

Thông tư số 08/2016/TT-NHNN

Ngày 16/6/2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 08/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06/9/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC. Theo đó, Thông tư thay đổi điều kiện miễn, giảm tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm của các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Về việc bán nợ xấu được mua theo giá thị trường, VAMC được lựa chọn, quyết định và chịu trách nhiệm bán các khoản nợ xấu được mua theo giá thị trường theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ hoặc phương thức đấu giá hoặc phương thức chào giá cạnh tranh.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2016.

Thông tư số 09/2016/TT-NHNN

Ngày 17/6/2016, NHNN ban hành Thông tư số 09/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2012/TT-NHNN quy định về ngân hàng hợp tác xã.
- Quỹ tín dụng nhân dân thành viên gửi tiền tại ngân hàng hợp tác xã để điều hòa vốn và được ngân hàng hợp tác xã cho vay điều hòa vốn khi có nhu cầu về vốn để mở rộng tín dụng…
- Ngân hàng hợp tác xã tiếp nhận các yêu cầu sửa đổi, bổ sung quy chế điều hòa vốn để phù hợp với quy định của pháp luật.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/8/2016.

Nhận định

chuyên gia

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm ngày 21/6:

Việt Nam đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA rất quan trọng như: FTA Việt Nam - EU (EVFTA), TPP. Ngành dệt may là đối tượng được hưởng lợi hàng đầu từ các FTA kể trên khi thuế suất theo lộ trình giảm dần về 0%.Tuy nhiên, để được hưởng lợi, doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng quy tắc xuất xứ rất phức tạp, với EVFTA là từ vải trở đi và TPP là từ sợi trở đi. Trong khi đó, ngành dệt may đang nhập khẩu tới 80% nguyên phụ liệu, phần lớn nhập từ các thị trường ngoài khối TPP, EU. Đây là một trong những lý do khiến cho dệt may Việt Nam khó tận dụng được ưu đãi từ các FTA. Do đó, cải thiện công nghệ sản xuất, nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước là những giải pháp cần sớm được thực hiện.

Ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Standard Chartered ngày 22/6 nhận định:

Kỳ hạn trái phiếu quốc tế của Việt Nam đang thu hút sự chú ý của thị trường, đây là tiền đề quan trọng cho những lần phát hành trái phiếu quốc tế tiếp theo, là điều kiện để Việt Nam quản lý nợ công một cách hiệu quả. Ngân hàng Standard Chartered sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc cập nhật, chia sẻ đánh giá về thị trường tài chính quốc tế, giải pháp phát triển thị trường tài chính trong nước và các vấn đề kinh tế vĩ mô khác.