Ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0
Ngành sản xuất cơ khí Việt Nam đang ngày càng tụt hậu so với các mốc và nhu cầu phát triển của đất nước. Doanh nghiệp cơ khí trong nước hiện nay đang phải đương đầu với nhiều thách thức, sức cạnh tranh yếu hơn so với doanh nghiệp cơ khí các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nhận diện những cơ hội và thách thức của ngành cơ khí Việt Nam, bài viết đề xuất một vài khuyến nghị nhằm giúp cơ khí Việt Nam vượt qua những thách thức, tận dụng được những cơ hội và phát triển bền vững trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tình hình phát triển ngành Cơ khí Việt Nam
Cơ khí là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời ở nước ta. Ban đầu nó được biểu hiện dưới dạng các nghề thủ công tạo ra công cụ sản xuất, binh khí… phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển và gìn giữ đất nước.
Dưới thời Pháp thuộc, tuy nghề này đã được phát triển mạnh, nhưng chưa thể trở thành một ngành theo đúng nghĩa là ngành Cơ khí. Phải đến năm 1958, khi Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo được xây dựng, thì nền móng ngành công nghiệp cơ khí mới được nhen nhóm.
Từ đó đến nay, Ngành này đã phát triển khá toàn diện, đã có sự chuyên môn hóa ở một số lĩnh vực, trình độ công nghệ cũng ở một mức độ nhất định và đóng vai trò là ngành công nghiệp “xương sống” của nền sản xuất xã hội, cung cấp thiết bị, máy công cụ, máy động lực… cho tất cả các ngành kinh tế, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Xác định được vai trò quan trọng và nền tảng của ngành công nghiệp cơ khí đối với phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 17/10/2003, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 25-KL/TW về chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam với những quan điểm, đường lối cụ thể: “Cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội” và “phải xây dựng ngành Cơ khí để đủ sức cạnh tranh vươn lên trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế”.
Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành Cơ khí việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2002, các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển một số chuyên ngành và sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, giai đoạn 2009-2015; Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025; Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”; Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước.
Tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, công nghiệp cơ khí Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể, một số lĩnh vực ghi nhận có sự chuyển biến, đột phá như: Chế tạo thiết bị thủy công (cung cấp cho các công trình nhà máy thủy điện lớn, nhỏ trong cả nước), chế tạo giàn khoan dầu khí (cung cấp khoan thăm dò, khai thác dầu khí đến độ sâu 120m, giàn khoan tự nâng 90m nước, giàn khoan khai thác giếng dầu), thiết bị điện, chế tạo và cung cấp thiết bị cho các nhà máy xi măng, đóng tàu các loại (tàu chở dầu đến trọng tải 105 nghìn DWT, tàu chở khí hóa lỏng trọng tải đến 5.000 tấn, tàu chở hàng rời…), các công trình thiết bị toàn bộ (nhà máy đường công suất 1.000 tấn mía/ngày, chế biến mủ cao su công suất 6.000 tấn/năm).
Cơ khí chế tạo trong nước cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ô tô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Một số cơ quan nghiên cứu, thiết kế và DN sản xuất cơ khí đã từng bước đổi mới, nâng cao năng lực tư vấn, thiết kế, chế tạo thiết bị và công nghệ, tham gia thực hiện một số gói thầu của các dự án trọng điểm quốc gia.
Số lượng DN cơ khí tăng nhanh, từ khoảng 10.000 DN (năm 2010) lên hơn 21.000 DN năm 2016, chiếm 28% tổng số DN công nghiệp chế tạo, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động, chiếm 17% tổng số lao động trong ngành chế biến, chế tạo. Theo tính toán của Viện Chiến lược và Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), giá trị sản xuất công nghiệp ngành Cơ khí năm 2015 chiếm 16,36% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo thống kê, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí cũng đã đạt trên 13 tỷ USD, chủ yếu là các loại thiết bị gia dụng và phụ tùng linh kiện xe ô tô, xe máy. Nếu tính cả sắt thép các loại thì kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí của Việt Nam cả năm 2016 đạt trên 16 tỷ USD. Những kết quả trên đã phần nào góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song công nghiệp cơ khí Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện qua các mặt cụ thể sau:
Thứ nhất, về thị trường: Ngành Cơ khí đa dạng về sản phẩm nhưng cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh của DN trong nước chưa đủ mạnh.
Ngay tại thị trường trong nước, các DN cơ khí cũng khó có thể tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị trong các ngành thép, hóa chất, năng lượng, chủ yếu do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; Các DN, sản phẩm cơ khí trong nước cũng chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến. Hơn nữa, các cam kết tự do thương mại cũng tạo áp lực đối với DN trong nước khi hàng rào thuế quan bảo hộ sản xuất trong nước bị gỡ bỏ.
Thứ hai, về trình độ khoa học công nghệ: Thực tiễn cho thấy, ngành Cơ khí Việt Nam có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, trang thiết bị và trình độ công nghệ toàn Ngành chậm đổi mới. Các DN cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) diễn ra, các công nghệ mới đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức, phương thức sản xuất hiện nay, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới và cập nhật xu thế công nghệ đối với các DN cơ khí.
Thứ ba, về nguyên phụ liệu: Nguyên phụ liệu cho ngành Cơ khí chủ yếu là sắt thép và các loại hợp kim màu, hầu hết các nguyên phụ liệu này trong nước chưa sản xuất được nên phải nhập khẩu.
Thứ tư, về nguồn nhân lực: Nhân lực ngành Cơ khí Việt Nam còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Số thợ cơ khí có tay nghề cao giảm sút, lao động chuyên môn thiếu chứng chỉ nghề quốc tế và kỹ năng ngoại ngữ. Lực lượng nghiên cứu triển khai, trước hết là đội ngũ tư vấn thiết kế chưa đạt trình độ, đáp ứng yêu cầu của các công trình, dự án về thiết bị cơ khí đồng bộ.
Thứ năm, vai trò của hiệp hội ngành nghề chưa phát huy hiệu quả: Hiệp hội ngành nghề chưa phát huy được tính đại diện trong tập hợp ý kiến và hành động chung; Chưa thu hút được sự tham gia của các DN cơ khí và chưa liên kết chặt chẽ được các DN thành viên với nhau. Hiện nay, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam chỉ mới thu hút được sự tham gia của hơn 100 DN trong tổng số trên 21.000 DN cơ khí.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên là do các DN cơ khí trong nước hầu hết đều có quy mô sản xuất nhỏ, trình độ công nghệ trung bình, chưa khẳng định được năng lực thị trường. Một số hãng nước ngoài tuy có thương hiệu mạnh nhưng tại Việt Nam chủ yếu chỉ rắp ráp để tiêu thụ tại chỗ; Mức độ liên kết và hợp tác còn thấp, không phát huy được sức mạnh của phân công và hợp tác sản xuất; Vốn cố định cho sản xuất cơ khí thường lớn, vòng vay vốn lưu động lại thấp, do đó DN cơ khí khó huy động được vốn, các dự án về cơ khí vì thế cũng kém hấp dẫn đối với các ngân hàng thương mại hơn so với các dự án thuộc lĩnh vực khác.
Sự chồng chéo trong quản lý cũng làm hạn chế sự phát triển của ngành Cơ khí, tình trạng chiếm giữ độc quyền công nghệ và thiết bị làm hạn chế phân công chuyên môn hóa, chậm đổi mới kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất cơ khí, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chi phí sản xuất cao.
Việc xây dựng tiêu chuẩn, kỹ thuật của ngành Cơ khí cũng chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ với việc hỗ trợ hoạt động của các cơ quan kiểm định theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đã đăng ký; Tiêu chí đấu thầu trong nhiều trường hợp còn tạo lợi thế cho các DN nước ngoài thắng thầu; Điều kiện đàm phán mua sắm máy móc, thiết bị cũng thường gây bất lợi cho DN trong nước…
Cơ hội và thách thức đối với ngành Cơ khí Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp 4.0
Theo đánh giá của giới chuyên gia, CMCN 4.0 có tác động quan trọng đối với sản xuất cơ khí trong hiện tại và tương lai, nhất là đối với các vấn đề quản trị công nghệ, quản trị sản xuất..., cụ thể: CMCN 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội để ngành Cơ khí Việt Nam phát triển, đó là:
Một là, CMCN 4.0 cho phép DN cơ khí tiếp cận thông tin, tiếp cận tri thức, tiếp cận các công nghệ tiên tiến…
Hai là, CMCN 4.0 với những đột phá về công nghệ mới giúp giảm mạnh chi phí chế tạo và vận hành rô bốt, giảm mạnh chi phí sản xuất của công nghệ sản xuất đắp dần (công nghệ in 3D), do đó làm tăng khả năng ứng dụng rô bốt, công nghệ đắp dần thay thế công nghệ cắt gọt trong sản xuất cơ khí đối với những nước có tiềm lực kinh tế hạn chế như Việt Nam.
Ba là, CMCN 4.0 là cơ hội để Việt Nam “đi tắt đón đầu”. Ngành Cơ khí nước ta chưa phát triển, quy mô còn nhỏ nên quán tính nhỏ, sự rủi ro xảy ra có thể không gây tổn thất quá lớn.
Bốn là, lao động ngành Cơ khí có tố chất ham học hỏi và nhanh nhạy, dễ thích ứng với cái mới, cho nên rất dễ dàng thích ứng với những cơ hội, công nghệ mới đến từ CMCN 4.0, từ đó, nâng cao trình độ, sáng tạo và nắm bắt công nghệ tiên tiến để ứng dụng.
Năm là, với việc tiếp cận nhanh nhạy và ứng dụng linh hoạt những thành tựu của CMCN 4.0, ngành Cơ khí nước ta sẽ có nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, tăng năng suất, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, sản xuất được những sản phẩm có chất lượng, giá cả cạnh tranh… qua đó, làm thay đổi phương thức quản lý, quản trị trong sản xuất cơ khí.
Bên cạnh cơ hội, CMCN 4.0 cũng mang lại nhiều thách thức cho ngành Cơ khí Việt Nam, đó là:
Thứ nhất, trong cuộc CMCN 4.0, lao động ngành Cơ khí có thể gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, bởi những việc làm thủ công sẽ được tự động hóa thay thế bằng rô bốt, máy móc tự động. Việc hình thành, phát triển lực lượng lao động ngành Cơ khí được trang bị kỹ năng, trình độ để khai thác, làm chủ được công nghệ, phương thức vận hành mới cũng là một thách thức lớn đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Cơ khí nước ta hiện nay.
Thứ hai, DN cơ khí nước ta phần lớn là DN nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều DN còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh, trong đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực về nguồn lực đầu tư để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, đột phá.
Thứ ba, CMCN 4.0 với những công nghệ mới, nhất là công nghệ in 3D (công nghệ đắp dần) đã làm thay đổi hoàn toàn công nghệ cắt gọt truyền thống của ngành Cơ khí Việt Nam. Công nghệ này cho phép khách hàng đặt hàng sản phẩm với kiểu dáng tùy chỉnh và được sản xuất với tốc độ nhanh hơn và trên thế giới công nghệ này đang có những chuyển biến ngày càng mạnh mẽ, không chỉ giới hạn trong việc sản xuất các sản phẩm từ vật liệu nhựa, giờ đây vật liệu kim loại cũng đang được ứng dụng công nghệ này.
Chưa kể, hệ thống sản xuất cơ khí trong CMCN 4.0 phải là những hệ thống có khả năng kết nối sâu, nhận biết, thu thập và trao đổi dữ liệu như Cyber Physical Systems hay Internet of Things được coi là những công nghệ then chốt chưa được triển khai ứng dụng trong sản xuất cơ khí nước ta.
Vấn đề đặt ra đối với ngành Cơ khí Việt Nam
Từ phân tích thực tiễn phát triển, những hạn chế, thách thức và cơ hội của ngành Cơ khí trong bối cảnh CMCN 4.0, để thúc đẩy ngành Cơ khí Việt Nam phát triển bền vững, Chiến lược phát triển Cơ khí Việt Nam cần xác định và lưu ý triển khai những vấn đề sau:
- Về thị trường: Tạo dựng thị trường là yếu tố tiên quyết cho phát triển, xử lý tình trạng gian lận thương mại, nhập khẩu tràn lan thiết bị đã qua sử dụng.
- Về vốn đầu tư: Tạo nguồn vốn vay dài hạn, có lãi suất ổn định theo đặc thù đầu tư sản xuất cho DN ngành Cơ khí.
- Về hoạt động đấu thầu các công trình, dự án trong nước: Ban hành các quy định thầu sao cho góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước và quản lý các gói tổng thầu dạng Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC) về máy móc thiết bị, để có thể tạo thị trường cho DN cơ khí trong nước.
- Về công tác khuyến công, xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại: Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
- Về liên kết DN: Triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa DN trong nước với nhau và với các DN lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp cận công nghệ và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.
Nhằm đạt được mục tiêu đến 2035, ngành Cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước; Sản lượng xuất khẩu đạt 45% tổng sản lượng ngành Cơ khí, thời gian tới Việt Nam cần đồng bộ triển khai các giải pháp chiến lược sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ và đủ mạnh để hỗ trợ phát triển ngành Cơ khí. Trước mắt, Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành Nghị định về phát triển ngành công nghiệp chế tạo.
Thứ hai, phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn trong lĩnh vực cơ khí cơ quy mô chuỗi cung ứng lớn để tạo cơ hội cho các DN cơ khí trong nước tham gia cung cấp phụ tùng, linh kiện cho các DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Trong đó, chú trọng phát triển các ngành cơ khí có tiềm năng phát triển như ô tô, thiết bị công nghiệp, cơ khí gia dụng và dụng cụ…
Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các DN cơ khí có thương hiệu trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các DN cơ khí trong nước.
Thứ tư, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về DN cơ khí; triển khai hiệu quả các chương trình kết nối kinh doanh, liên kết DN trong nước với DN nước ngoài. Đồng thời, nâng cao chất lượng thống kê làm cơ sở cho các phân tích, dự báo về ngành.
Thứ năm, đảm bảo nguồn vốn vay dài hạn với mức lãi suất ổn định cho các DN cơ khí thông qua các chương trình hỗ trợ, gói ưu đãi phù hợp với các quy định trong nước và cam kết quốc tế.
Thứ sáu, nhanh chóng hoàn thiện đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm cơ khí, đồng thời, phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ quan kiểm tra, kiểm định theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đã đăng ký.
Thứ bảy, xây dựng và phát triển hệ thống quản lý, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ thuật nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề trong lĩnh vực cơ khí; Xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích liên kết giữa cơ sở đào tạo và DN trong hoạt động đào tạo và phát triển các chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với thực tiễn.
Tài liệu tham khảo:
- Kết luận 25-KL/TW ngày 17/10/2003 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam;
- Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, giai đoạn 2009-2015;
- Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chết tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025;
- Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước.