Ngành công nghiệp: Rộng đường về đích

Theo Bùi Việt/baocongthuong.com.vn

Sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng khá, được đánh giá là nền tảng tốt cho ngành “chạy nước rút”, hoàn thành mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng khá. Nguồn: Internet
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng khá. Nguồn: Internet

Giữ đà tăng trưởng

Theo Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp được cải thiện rõ rệt, tăng trưởng của toàn ngành 10 tháng qua đã cao hơn 1,5 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng khá cao, đạt trên 2,9 điểm % và là động lực tăng trưởng chính của ngành.

Kết quả khả quan trên cho thấy, những giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua của Bộ Công Thương đã phát huy tác dụng. Các doanh nghiệp hoạt động ổn định và đạt hiệu quả tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Bà Bùi Thúy Lan - Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và xuất nhập khẩu thiết bị công nghiệp Thiên Mã - cho hay: Từ đầu năm tới nay, lượng hàng hóa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của công ty tăng mạnh so với cùng kỳ. Năm 2017, Thiên Mã dự kiến đạt 100 tỷ đồng doanh thu nội địa và khoảng 1 triệu USD giá trị xuất khẩu hàng hóa. Hiện, công ty đã có một số đơn hàng cho năm 2018, triển vọng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm tới tương đối khả quan.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên - cho hay: Trái với dự báo, lượng đơn hàng của May Hưng Yên khá ổn định, do đó, sản xuất của công ty vẫn duy trì ở mức cao. Công nhân vẫn thường xuyên phải tăng ca để bảo đảm thời gian giao hàng. Đến thời điểm hiện tại, tổng công ty đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, giá trị xuất khẩu cả năm dự kiến đạt khoảng 300 triệu USD.

Quyết liệt thực hiện mục tiêu

Những kết quả thực hiện trong 10 tháng qua được kỳ vọng sẽ giúp các ngành công nghiệp thuận lợi hơn để “chạy nước rút” về đích. Bộ Công Thương cũng đặt ra yêu cầu, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành năm 2017 sẽ đạt từ 108,35 - 108,5%; trong đó, ngành chế biến, chế tạo đạt từ 112 - 112,5%, khai khoáng đạt từ 93,5 - 94,9%...

Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện những giải pháp đã đề ra, Bộ Công Thương sẽ quyết liệt chỉ đạo tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất lớn của nền kinh tế như: Sản xuất đồ uống, hóa chất, điện lực, than, khoáng sản, dầu khí... Đây là giải pháp trước mắt nhằm tiết giảm chi phí quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đồng thời mang tính lâu dài để bảo đảm sự phát triển bền vững, phục vụ cho tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, tiếp tục bám sát tình hình thực tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước; đặc biệt là các ngành: Thép, ôtô, phân bón, hóa chất... để tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, công cụ cải tiến, năng suất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, cung cấp các sản phẩm nội địa có chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) toàn ngành 10 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng khá, tháng sau cao hơn tháng trước. Đặc biệt, sự tăng trưởng cao vượt trội của tháng 10 (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016) đã khiến chỉ số IIP 10 tháng tăng 8,7%.