Ngành gỗ tăng trưởng bứt phá
Việt Nam và Hoa Kỳ vừa đạt được thỏa thuận về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Đây là cơ hội để các địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Nam mạnh dạn đầu tư rừng trồng gỗ lớn, nguồn nguyên liệu đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông gnhieepj và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan vừa ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Hoa Kỳ - bà Katherine Tai về kiểm soát chặt chẽ khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Sự đàm phán thành công này cho thấy quyết tâm đeo đuổi không mệt mỏi của Chính phủ, khẳng định vị thế của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam với thế giới; đồng thời kết thúc vụ điều tra theo hướng gây bất lợi cho sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.
Theo Bộ NN&PTNT, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam. Thống kê cho thấy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2020 đạt mức 7,4 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Đặc biệt, dù dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp trên bờ phá sản, nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 8 tháng đầu năm 2021 đạt 6,4 tỷ USD (tăng trưởng 58,8% so với cùng kỳ 2020).
Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam về thực thi các quy định pháp luật bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, với thỏa thuận thương mại này, ngành lâm nghiệp sẽ tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, giải quyết tình trạng khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp. Qua đó, sẽ khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn trong nước.
Trong khi đó, Hiệp định Thương mại tự do giữa EU - Việt Nam (EVFTA) chính thức đưa vào thực thi đã được hơn một năm, tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành công nghiệp xuất khẩu gỗ phát triển bứt phá. Đức là quốc gia trong khối EU nhập khẩu lớn nhất gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh, EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho ngành gỗ trong nước phát triển đột phá. Bởi với ngành gỗ, hiệp định này còn có thêm cam kết về Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại Lâm sản (FLEGT-VPA).
“Do có nền tảng của FLEGT-VPA mà chúng ta đã giải trình được cáo buộc về nguồn gốc gỗ hợp pháp với phía Hoa Kỳ. Từ đó giúp các sản phẩm gỗ Việt Nam có lợi thế hơn ở thị trường Mỹ trước đối thủ cạnh tranh Trung Quốc” - ông Phương phân tích.
Ngoài ra, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp các mặt hàng xuất khẩu gỗ tiếp cận được thị trường Canada và Úc.
“Với xu hướng giảm được kiểm soát, đưa về trạng thái bình thường mới, hoạt động sản xuất trở lại trong các tháng cuối năm nay, ngành gỗ sẽ vượt mức 14,5 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2020” - ông Phương dự báo.