Ngành gỗ Việt Nam: Nỗ lực cán đích
Chiến lược đề ra cho ngành gỗ là hết năm 2015 phải đạt kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD, hết năm 2020 đạt 10 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ vẫn đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2014.
Mặc dù đã đạt được con số “ấn tượng” như vậy, song theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, từ nay đến cuối năm, ngành gỗ phải rất nỗ lực mới có thể đạt được con số gần 4 tỷ USD để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 2015.
Còn nhiều trở ngại
Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến gỗ Việt Nam vẫn đang gặp phải nhiều trở ngại trong việc chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp để xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường khó tính như Mỹ, EU.
Thứ nhất, phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể đáp ứng được Quy chế Gỗ của Liên minh Châu Âu (EUTR) có hiệu lực từ tháng 3/2013 và Hiệp định đối tác tự nguyện về Tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm nay. FLEGT đòi hỏi nhà xuất khẩu phải trình chứng minh nguồn gốc, xuất xứ gỗ hợp pháp, trong khi đó, gỗ của Việt Nam lại được mua từ nhiều quốc gia trên thế giới và không phải nước nào cũng có chứng nhận đảm bảo gỗ hợp pháp. Hiện, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu trên bởi chưa có hướng dẫn thật cụ thể từ phía các cơ quan chức năng.
Thứ hai, tuy Việt Nam đang nhập khẩu gỗ ở 67 quốc gia, nhưng chỉ có khoảng 5-6 quốc gia là có chứng chỉ gỗ hợp pháp, còn lại là chưa. Hiện, doanh nghiệp đang rất thiếu thông tin về các quốc gia, không biết được các công ty nào có thể bán gỗ cho Việt Nam với đầy đủ các giấy phép như vậy. Nếu doanh nghiệp tự đi tìm các quốc gia khác để nhập khẩu gỗ sẽ rất tốn kém cả về thời gian và tiền bạc.
Thứ ba, 70% nguyên liệu sản xuất gỗ của Việt Nam phải nhập khẩu, chi phí phục vụ sản xuất như than, điện, nước đều quá cao vì vậy, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam còn kém so với các nước khác như Myanmar, Malaysia và Indonesia… Các nước này có đủ nguồn gỗ không cần phải nhập khẩu nguyên liệu nên tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao với giá thành hạ hơn.
Cuối cùng, việc mở rộng thị trường xuất khẩu chưa có nhiều khả quan. Tại thị trường Nga, mặc dù được khuyến khích và tạo điều kiện nhưng hiện doanh nghiệp vẫn chưa thâm nhập được. Hiện nay, hiệp hội cùng các doanh nghiệp đang cố gắng thúc đẩy để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tiếp cận các thị trường như Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông…
Doanh nghiệp lạc quan
Không thể phủ nhận Quy chế Gỗ của Liên minh Châu Âu (EUTR) hay VPA/FLEGT khi thực thi sẽ là một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Tường Vân, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Lacey và FLEGT – Tổng cục Lâm nghiệm, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tỏ ra không quan ngại bởi trước bối cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam đã xác định buộc phải thích ứng để vượt qua hàng rào kỹ thuật này. Những năm vừa qua, thông tin về EUTR cũng như VPA/FLEGT đã được truyền tải nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhờ đó, doanh nghiệp đã dần nắm được những thông tin về và cũng đã những chuẩn bị nhất định để đón đầu cơ hội này.
Bà Tường Vân cũng thêm một lần nữa khẳng định: Gỗ hợp pháp là gỗ được khai thác, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu tuân thủ quy định luật pháp của nước sở tại. Chúng ta ở Việt Nam nếu tuân thủ các quy định về khai thác, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu của Việt Nam thì đó là hợp pháp.
Thực tế cho thấy, trong 6 tháng qua, lượng hàng các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Nhật Bản… đã tăng mạnh, chiếm 66% tổng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh sự khởi sắc đáng mừng tại các thị trường này, nhu cầu ở các thị trường nhập khẩu truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU)… cũng tăng cao. Tính đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng và có đơn hàng sản xuất cho đến hết năm 2015. Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng thị trường năm 2015 sẽ là 5 đối trọng chính mà đứng thứ nhất là Mỹ, thứ hai là Nhật Bản, thứ ba là Trung Quốc, thứ tư là Hàn Quốc va thứ 5 là EU…
Đón tín hiệu lạc quan từ thị trường, một mặt ngay từ đầu năm nay, các doanh nghiệp chế biến gỗ đã chuẩn bị khá tốt nguyên liệu sản xuất. Vì vậy, mặc dù thời điểm này, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu đang tăng, nhưng đa số các doanh nghiệp vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Mặt khác, ngành lâm nghiệp đang xúc tiến tổ chức trồng rừng tại các địa phương. Trong 2 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước trồng được trên 200.000 ha rừng tập trung, trong đó 90% là rừng sản xuất. Theo thống kê, hiện đã có 22/60 tỉnh có rừng triển khai được 57 mô hình trồng rừng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Bộ NN-PTNT cũng đang triển khai xây dựng một số mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao. Đây chính là cơ sở để Việt Nam đảm bảo lượng gỗ nguyên liệu cũng như nguồn gốc xuất xứ trong nước.
Ngoài ra, để chuẩn bị đảm bảo nguồn gỗ nhập khẩu có xuất xứ hợp pháp, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đang phối hợp với các thương vụ để lấy danh sách doanh nghiệp các nước xuất khẩu gỗ có đủ chứng nhận gỗ hợp pháp để nhập gỗ; Đồng thời, xây dựng chương trình liên kết các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và người trồng rừng để trồng và khai thác gỗ hợp pháp.