Ngành Hải quan cải cách hiện đại hóa lớn mạnh cùng đất nước

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Cách đây 69 năm, vào ngày 10/9/1945, chỉ 8 ngày sau khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 27/SL thành lập Sở Thuế quan và Thuế gián thu - tiền thân của Hải quan Việt Nam ngày nay. Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử quan trọng không chỉ đánh dấu sự ra đời của ngành Hải quan Việt Nam, mà còn khẳng định “chủ quyền thuế quan” là một bộ phận quan trọng cấu thành chủ quyền của một quốc gia độc lập. Quá trình xây dựng và phát triển của ngành Hải quan luôn gắn liền với các giai đoạn lịch sử cách mạng trọng đại của đất nước.

 Ngành Hải quan cải cách hiện đại hóa lớn mạnh cùng đất nước
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự buổi làm việc với Tổng cục Hải quan chiều ngày 09/7/2014. Nguồn: internet
Tự hào đi lên

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (từ năm 1945 đến năm 1954), lực lượng Hải quan Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng, là công cụ đắc lực trong quá trình đấu tranh kinh tế với địch, giành quyền chủ động về thuế quan, ngoại thương, góp phần xây dựng nền kinh tế kháng chiến, đưa cuộc kháng chiến - kiến quốc của nhân dân ta đến thắng lợi vẻ vang.

Giai đoạn 1954-1975, ngành Hải quan Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia sự nghiệp khôi phục kinh tế, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Không chỉ đóng góp công sức để bảo đảm thực hiện đúng đắn chế độ Nhà nước độc quyền ngoại thương, ngoại hối, thi hành chính sách thuế quan, tiếp nhận hàng hóa viện trợ và chống buôn lậu qua biên giới, mà nhiều nơi cán bộ, nhân viên hải quan còn trực tiếp cùng các lực lượng vũ trang và dân quân du kích chiến đấu. Nhiều đồng chí đã tình nguyện vào chiến trường để trực tiếp chiến đấu và chuẩn bị cơ sở cho việc triển khai lực lượng hải quan trên cả nước khi có thời cơ.

Do có sự chuẩn bị sẵn lực lượng, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ngành Hải quan đã chủ động nguồn nhân lực để nhanh chóng tiếp quản bộ máy thuế quan của chính quyền Việt Nam cộng hoà; đồng thời tổ chức bộ máy hải quan kịp thời triển khai hoạt động thống nhất trên phạm vi toàn quốc, phát huy hết mọi khả năng nội lực của mình trong công tác, nhằm đảm bảo đúng đắn chính sách của Nhà nước về độc quyền ngoại thương, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống buôn lậu và lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý xuất nhập khẩu. Đó là tiền đề căn bản cho giai đoạn phát triển đầy năng động, đóng góp hiệu quả vào những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế từ 1987 đến nay.

69 năm, hơn 2/3 thế kỷ đã trôi qua, cùng với sự phát triển của đất nước thì ngành Hải quan Việt Nam cũng không ngừng phát triển và trưởng thành: Từ tiền thân là Sở Thuế quan thuộc Bộ Công thương, Cục Hải quan Trung ương thuộc Bộ Ngoại thương, Tổng cục Hải quan trực thuộc Chính phủ, nay là Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính. Dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, ngành Hải quan cũng không ngừng phấn đấu vươn lên để hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt giai đoạn hiện nay Nhà nước ta đã và đang đổi mới, cải cách nền hành chính quốc gia, xây dựng một Chính phủ điện tử, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế thì ngành Hải quan được Đảng và Nhà nước tập trung chỉ đạo toàn diện cho công cuộc cải cách hiện đại hoá ngành Hải quan. Đây là một vinh dự lớn nhưng cũng đầy thách thức của ngành Hải quan. Vì thế ngành Hải quan phải tập trung triển khai thực hiện thành công hệ thống VNACCS/VCIS và chế độ một cửa quốc gia.

Hiện đại hóa đạt hiệu quả

Trong chiến lược hiện đại hóa hoạt động hải quan, từ đầu năm đến nay, ngành Hải quan đã tích cực thực hiện được 2 nhiệm vụ lớn.

Ngành Hải quan đã đưa vào vận hành chính thức hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, đúng lộ trình cam kết (từ 1/4/2014). Đây là bước đột phá quan trọng của ngành Hải quan trong tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu .

Với sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của toàn hệ thống đến thời điểm cuối 6/2014, VNACCS/VCIS đã được “phủ sóng” tại 34 cục hải quan tỉnh, thành phố trên toàn quốc, được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng.

So với thủ tục hải quan điện tử đang áp dụng, có thể thấy ngay lợi ích của VNACCS/VCIS. Nếu như hải quan điện tử thời gian hồi đáp từ cơ quan hải quan mất khoảng 5-15 phút, nay thời gian này chỉ tính vài giây. Thuận lợi nữa là doanh nghiệp không phải xuất trình bản khai gốc, khi có xác nhận trên hệ thống VNACCS/VCIS luồng xanh là được thông quan hàng hóa ngay.

Thành công tiếp theo của ngành Hải quan thời gian qua cần kể  đến việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN có chuyển biến tích cực.

Mục tiêu của ASEAN của Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia là hướng tới thương mại phi giấy tờ và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi trong hoạt động đầu tư. Nhiều quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam đang đẩy nhanh hiện thực hóa mục tiêu này.

Cuối tháng 2/2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã khai trương kết nối kỹ thuật giai đoạn 1 Cơ chế một cửa quốc gia giữa 3 Bộ: Tài chính (Tổng cục Hải quan), Công Thương và Giao thông Vận Tải.

Kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, tiến tới kết nối một cửa ASEAN (dự kiến vào năm 2015) là nhu cầu nội tại của Việt Nam với mục tiêu cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc thực hiện kết nối cơ chế một cửa không chỉ đáp ứng ý nghĩa cam kết, nhiệm vụ quốc tế mà còn xuất phát từ lợi ích thúc đẩy thương mại, hợp tác kinh tế của nước nhà…

Trong giai đoạn triển khai thí điểm giai đoạn 1, 3 bộ đã lựa chọn 18 thủ tục hành chính để tham gia kết nối (Bộ Tài chính 10 thủ tục, Bộ Công thương 5 thủ tục, Bộ Giao thông Vận tải 3 thủ tục).

Bên cạnh đó, thực hiện song hành giai đoạn 2 với 3 bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường với số lượng kết nối lên tới 43 thủ tục hành chính.

Nhiệm vụ của ngành Hải quan là thực các kết nối giữa các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai và thực hiện cải cách hành chính, ra quyết định một lần khi thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Nhiệm vụ cốt lõi

 Nhiệm vụ quan trọng của ngành Hải quan hiện nay là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi  làm việc với Tổng cục Hải quan (ngày 9/7) về việc giảm mạnh thời gian nộp thuế, thông quan hàng hóa.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Hải quan phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, tạo thuận lợi và phục vụ tốt hơn hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo phương thức hậu kiểm, xây dựng ngành Hải quan Việt Nam hiện đại, đạt chuẩn mực quốc tế.

Tổng cục Hải quan tập trung chỉ  đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính giao cho ngành Hải quan năm 2014. Đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong quản lý và cải cách thủ tục hành chính về hải quan. Giảm 50% thời gian thực hiện thông quan hàng hóa.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan rà soát lại các cơ chế, chính sách đã ban hành, thực hiện trong thời gian qua để phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết Luật Hải quan (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, đảm bảo thực hiện các mục tiêu, yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính đã đề ra.