Ngành Hải quan đón đầu kỷ nguyên số
Hải quan thế giới nói chung và Hải quan Việt Nam nói riêng đã và đang nỗ lực trao đổi, thảo luận, đưa ra các giải pháp hữu hiệu để triển khai nhằm đón đầu kỷ nguyên số, xây dựng hải quan số, hải quan thông minh, hải quan xanh.
Số hoá có vai trò quan trọng đối với ngành Hải quan
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) do Tổng cục Hải quan phối hợp với WCO tổ chức, TS. Kunio Mikuriya - Tổng Thư ký WCO đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam trong tổ chức sự kiện lần này.
TS. Kunio Mikuriya nhấn mạnh, số hoá, công nghệ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung cũng như đối với ngành Hải quan nói riêng. Hội nghị lần này sẽ là cơ hội tốt để cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm thế giới về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới cũng như cách thức giải quyết các thách thức trong quản lý, ứng dụng công nghệ và hoạt động thương mại.
Tổng Thư ký WCO mong muốn, với việc đón đầu kỷ nguyên số, "gia đình" hải quan sẽ vượt qua thách thức trong thời gian tới và tận dụng các cơ hội trong tương lai.
Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn gửi lời cảm ơn WCO đã lựa chọn Việt Nam là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị lần này. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết, ngày 10/10 đánh dấu tròn 30 năm Hải quan Việt Nam là thành viên trong ngôi nhà chung của WCO. Trong 30 năm gắn với đổi mới, phát triển, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với hơn 200 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến năm 2022 là 732 tỷ USD, đứng thứ 20 trên thế giới.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và hỗ trợ của WCO, Hải quan Việt Nam đã kết nối với hải quan các nước thành viên trong hợp tác song phương hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức hải quan cũng như trợ giúp về công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số. Đến nay, Hải quan Việt Nam từ thực hiện thủ tục hải quan thủ công đã tiến hành thủ tục hải quan phi giấy tờ 99%, thông quan 65% các lô hàng trong 1-3 giây, đảm bảo lưu thông chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cộng đồng và lợi ích quốc gia.
Thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, Hải quan Việt Nam đang và sẽ tiếp tục tiến hành chuyển đổi số sâu rộng theo hướng xây dựng hải quan chính quy, hiện đại, thông minh, ngang bằng các nước phát triển đến trước năm 2030 theo đúng Chiến lược phát triển hải quan đã được phê duyệt.
Hiện nay, Hải quan Việt Nam đang thực hiện thí điểm kết nối với các bộ ngành trong khuôn khổ Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN, tạo thuận lợi thương mại cũng như kết nối với các cơ quan hải quan có đường biên giới với Việt Nam và với tất cả các cơ quan hải quan, đối tác của cơ quan hải quan trên toàn thế giới theo hướng hải quan số, hải quan thông minh, hải quan xanh theo định hướng của WCO cũng như Chính phủ Việt Nam.
Để sớm đạt mục tiêu, chiến lược đề ra, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WCO cũng như các cơ quan các nước thành viên cũng như các đối tác của cơ quan hải quan trong chuyển tải, đưa công nghệ tiến tiến, trao đổi thông tin, đảm bảo lưu thông hàng hoá, góp phần phát triển ngôi nhà chung hải quan thế giới.
Tập trung thảo luận nhiều nội dung thúc đẩy chuyển đổi số
Theo chương trình, Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 được tổ chức từ ngày 10-12/10/2023 gồm 2 Phần: Hội nghị và Triển lãm. Trong đó, phần hội nghị gồm 10 phiên toàn thể, 9 phiên chuyên đề, và các cuộc nói chuyện công nghệ. Phần triển lãm sẽ có khoảng 50 gian triển lãm giới thiệu các công nghệ mới của các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực hải quan và thương mại.
Về nội dung Hội nghị, các phiên toàn thể sẽ thảo luận về các chủ đề: Ứng dụng công nghệ trong hoạt động hải quan; Ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cầu; Đảm bảo an ninh, an toàn và tính liên tục của hệ thống hải quan có khả năng ứng phó với sự cố, thảm hoạ; Tác động của công nghệ đến môi trường làm việc của hải quan; Hợp tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức của cơ quan hải quan và thương mại quốc tế.
Các phiên chuyên đề sẽ thảo luận về các chủ đề: Đào tạo như tối đa hoá đào tạo số trong hải quan, giải quyết các thách thức về đào tạo hải quan...; Phát triển bền vững như hải quan xanh, bình đẳng giới thông qua công nghệ và đổi mới...; Kiểm soát hải quan như: sử dụng các thiết bị an ninh thông minh và công nghệ không xâm nhập, thiết bị bay không người lái và robot...
Tại khu vực triển lãm, các gian hàng sẽ trưng bày và giới thiệu các công nghệ và thiết bị phục vụ yêu cầu quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Điển hình như, về quản lý hải quan, có các gian hàng giới thiệu về thiết bị soi chiếu (S2 Global, Rapiscan, Smiths Detection); niêm phong điện tử cảm biến công nghệ định vị (Ascent Solutions Pte); công nghệ AI trong phân tích thông tin hàng hóa đến trước (Publican); công nghệ AI ngăn chặn hàng giả (Counter Check); Giải pháp về an ninh và kiểm tra (NucTech); Giải pháp về an ninh, chống buôn lậu và gian lận thương mại (Leidos); Giải pháp về quản lý rủi ro, tăng cường tuân thủ (Cargoes, GTS); Ứng dụng khoa học dữ liệu (Nexyte); Ứng dụng phần mềm nâng cao chất lượng dịch vụ của cơ quan hải quan (Microsoft).
Về tạo thuận lợi thương mại, có các gian hàng giới thiệu về giải pháp chuỗi khối trong vận tải, thương mại, dịch vụ (Cargo X); ứng dụng công nghệ trong dịch vụ cung ứng (Crimson Logic, Geodis); cơ chế một cửa (GUUD International); ứng dụng AI trong phát triển thương mại (Webb Fontaine).
Được biết, Hội nghị và Triển lãm công nghệ là một sự kiện quốc tế lớn của WCO và là sự kiện quốc tế lớn nhất từ trước đến nay đối với Hải quan Việt Nam. Đặc biệt, ngày khai mạc Hội nghị được tổ chức vào ngày Chuyển đổi số của Việt Nam (10/10) đã truyền tải thông điệp đến thế giới về Chương trình chuyển đổi số quốc gia và quyết tâm chuyển đổi số của Việt Nam.