Ngành Hải quan nỗ lực hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, diễn biến hết sức phức tạp tại nước ta, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.
Tổng cục Hải quan luôn xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần được thực hiện thường xuyên với các giải pháp đồng bộ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ.
Trong các năm 2020, 2021, công tác cải cách hành chính càng được đẩy mạnh. Đến nay, cơ bản các bước của thủ tục hải quan đã được thực hiện bằng phương thức điện tử. Một số chứng từ trước đây doanh nghiệp phải nộp bản giấy đến nay cũng được nộp bằng phương thức điện tử với chữ ký số, tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cùng bới đó, là cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN,Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã tham mưu đẩy mạnh thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và đang chủ trì xây dựng Nghị định “Quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Việc đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành theo dự thảo Nghị định được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức.
Theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ, khi Nghị định được triển khai thi hành sẽ có tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ước tính, một năm sẽ tiết kiệm gần 1.300 tỷ đồng (xấp xỉ 59,1 triệu USD) cho doanh nghiệp và tăng giá trị cho nền kinh tế trên 9.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, Tổng cục Hải quan cũng tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực hải quan. Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Bộ Tài chính được Chính phủ phê duyệt và của Tổng cục Hải quan được Bộ Tài chính phê duyệt, từ nay đến cuối năm, Tổng cục Hải quan sẽ trình Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa Nghị định số 08, trong đó tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hải quan để giảm chi phí, thời gian thông quan cho doanh nghiệp.
Ngành Hải quan cũng đã áp dụng đồng bộ các giải pháp để thông quan nhanh hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã cùng với các cục Hải quan địa phương thành lập các tổ xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp ngay trong ngày.
Trong giai đoạn dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như lãnh đạo Bộ Y tế, cơ quan Hải quan đã trực và giải quyết nhanh tất cả các lô hàng vật tư y tế, thiết bị, vắc xin, sinh phẩm….viện trợ cho Việt Nam và của các doanh nghiệp nhập khẩu để phục vụ phòng, chống dịch.
Cùng với đó, các mặt hàng xuất khẩu qua biên giới cũng được chú trọng đẩy nhanh tốc độ thông quan. Cơ quan Hải quan đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố có biên giới chung với các nước láng giềng liên tục có những cuộc trao đổi, cuộc họp để tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh thông quan, hạn chế ùn tắc cho doanh nghiệp.
Đáng chú ý, thời gian qua, ngành Hải quan cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục Hải quan trong bối cảnh đại dịch: Năm 2021, tất cả thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS tại 100% đơn vị Hải quan trên phạm vi toàn quốc, hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,8% tờ khai hải quan và thời gian thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 đến 3 giây. Thu ngân sách nhà nước liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu cũng được thực hiện bằng phương thức điện tử đạt 99,8% trên tổng số thu.
Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện, trong đó có 209 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%). Trong năm 2021, Tổng cục Hải quan thực hiện tích hợp 26 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trong thời gian tới, dịch COVIDd-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc cách mạng 4.0,…sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của nước ta.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết đại hội đảng lần thứ XIII, chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện hài hòa nhiệm vụ vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa làm tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan mong muốn được tiếp tục đồng hành, đối thoại, cùng nhau giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm chi phí, thời gian thông quan và đạt được hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất, qua đó cũng giúp cho cơ quan Hải quan hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao", lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.