Ngành Hải quan phấn đấu đi đầu trong cung cấp dịch vụ công
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Hải quan Việt Nam trở thành cơ quan Hải quan điện tử hiện đại, triển khai hiệu quả, hiệu lực các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về hải quan, trở thành cơ quan quản lý nhà nước đi đầu trong cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh mối quan hệ đối tác trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách hiện đại hải quan, tạo thuận lợi cho các đối tác trong thực hiện thủ tục hải quan.
Tổng cục Hải quan vừa có Quyết định 1723/QĐ-TCHQ ban hành Chương trình hành động của ngành Hải quan thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng giai đoạn 2016-2020.
Theo đó xây dựng lực lượng hải quan chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, được trang bị và làm chủ các trang thiết bị công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.
Giải pháp thực hiện các mục tiêu này là tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy trình thủ tục hải quan theo hướng tuân thủ các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Luật khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện mô hình thủ tục hải quan điện tử; sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan đối với doanh nghiệp, tập trung vào việc tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách và thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan trên cơ sở đảm bảo tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, ổn định, minh bạch.
Đồng thời, tiếp tục phát triển mô hình thủ tục hải quan điện tử với trọng tâm là hoàn thiện thể chế, quy trình thủ tục, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thông quan điện tử tập trung VNACCS/VCIS trên cơ sở tích hợp các hệ thống phần mềm nghiệp vụ hỗ trợ vào hệ thống công nghệ thông tin nghiệp vụ hải quan thống nhất, tập trung.
Nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động kiểm tra chuyên ngành; tăng cường phương thức kiểm tra hàng hóa bằng máy soi; phát triển mô hình các điểm kiểm tra hàng hóa tập trung; nghiên cứu, thí điểm triển khai các điểm kiểm tra hồ sơ tập trung; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại thông qua hoạt động kiểm tra sau thông quan cả về số lượng, chất lượng và các hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai áp dụng quản lý rủi ro một cách có hệ thống, sâu, rộng và hiệu quả trong các khâu hoạt động nghiệp vụ hải quan, hỗ trợ tích hợp cho thủ tục hải quan điện tử. Phấn đấu đến năm 2020, công tác quản lý rủi ro được tổ chức thực hiện và áp dụng xuyên suốt trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ hải quan nhằm tạo ra sự minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý hải quan; giảm tỷ lệ kiểm tra, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp tối ưu đảm bảo sự cân bằng giữa kiểm soát và tạo thuận lợi, trong bối cảnh lưu lượng hàng hóa xuất nhập cảnh, hành khách, phương tiện xuất nhập cảnh đang ngày càng gia tăng nhanh chóng.
Ngoài ra, đẩy mạnh quan hệ đối tác hải quan-doanh nghiệp; quan hệ phối hợp, hợp tác, hội nhập quốc tế giữa hải quan với các bộ, ngành. Cơ quan Chính phủ, Hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, mối quan hệ hợp tác, hội nhập với hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới theo hướng từ “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi.”