Ngành Hải quan siết chặt kiểm soát chất làm suy giảm tầng ô-dôn

PV

Thời gian qua, thực thi các quy định pháp luật về quản lý xuất nhập khẩu các chất được kiểm soát trên cơ sở hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ, cơ quan Hải quan Việt Nam đã tập trung tăng cường năng lực kiểm soát hải quan đối với chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Tập huấn kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo Nghị định thư Montreal”.
Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Tập huấn kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo Nghị định thư Montreal”.

Thực hiện các quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ, trong năm 2022 và 2023, Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực thi các quy định pháp luật về quản lý xuất nhập khẩu các chất được kiểm soát trên cơ sở hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC được phân bổ cho các tổ chức đủ điều kiện theo quy định.

Theo Tổng cục Hải quan, các quy định pháp luật trong quản lý, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn đã được hướng dẫn đầy đủ và kịp thời. Điển hình như: Quy định về thủ tục hải quan và chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung, các chất được kiểm soát; phân loại áp mã số đối với các chất được kiểm soát tại danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam theo phiên bản năm 2022; nguyên tắc quản lý, các quy định hiện hành, quy trình dự kiến áp dụng sau khi kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; nhận biết thương hiệu, môi chất lạnh, công cụ tra cứu chất được kiểm soát phục vụ công tác quản lý và các biện pháp ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, qua đó giúp các cán bộ hải quan có thể nhận biết được những dấu hiệu gian lận, buôn lậu các chất được kiểm soát qua biên giới...

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2020-2023, đã có hơn 350 cán bộ hải quan trên cả nước được đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực kiểm soát hải quan đối với các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Từ năm 2024, việc kiểm soát xuất nhập khẩu sẽ được áp dụng thêm đối với các chất HFC nhằm đảm bảo việc thực thi theo lộ trình đã cam kết với quốc tế. Để thực hiện hiệu quả hoạt động này, sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng và thực thi các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là vai trò của cơ quan hải quan ở Trung ương và các cục hải quan tại các cửa khẩu trong việc kiểm soát, ngăn chặn tại cửa khẩu đối với các hóa chất, mặt hàng bị quản lý. 

Bà Trần Thùy Anh - Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, Quyết định phân bổ, điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch nhập khẩu là cơ sở để Bộ Tài chính kiểm soát hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu. Khi hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia được kết nối, việc theo dõi trừ lùi theo hạn ngạch được thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Hệ thống dịch vụ công trực tuyến hiện đã đáp ứng yêu cầu kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia, là một đầu mối thống nhất cho các cơ quan chuyên ngành có liên quan trong việc xử lý các thủ tục hành chính lĩnh vực xuất nhập khẩu. Điều này cũng nâng cao hiệu quả chia sẻ thông tin dữ liệu giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Theo đó, doanh nghiệp giảm bớt thời gian, công sức và chi phí để thực hiện các thủ tục hành chính (cấp phép, thông quan), trong khi cán bộ, công chức cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và đạo đức trong quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ.

Thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.