Ngành Nông nghiệp: Hội nhập là công cụ để tái cơ cấu
Việt Nam hiện nay tham gia 7 hiệp định thương mại tự do với khối ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc- New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó ngành nông nghiệp thực hiện thương mại tự do đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản.
Qua đánh giá của Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian qua hội nhập về kinh tế quốc tế trên lĩnh vực nông nghiệp đã mở ra nhiều cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất chất lượng kỹ thuật về Vietgap, GolobalGap, EuroGap, Iso, HAACS, thay đổi tư duy về hệ thống quản lý ngành…
Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn như gia tăng cạnh tranh và áp lực tới sản xuất, làm thu hẹp một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh thấp; phát sinh tranh chấp thương mại; chậm điều chỉnh cơ cấu sản xuất để khai thác cơ hội cho thị trường và phát huy lợi thế so sánh của các vùng…
Bàn về các giải pháp vượt qua các thách thức trên, các đại biểu cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần tích cực, chủ động hội nhập vào thị trường quan trọng mang tính chiến lược của khu vực và thế giới; ưu tiên nguồn vốn, tăng cường hợp tác với các đối tác lớn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Đối với các hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đang đàm phán cần tăng thị phần, thị trường xuất khẩu nhất là khi nước ta đã xóa bỏ thuế quan, hạn chế các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông, lâm, thủy sản.
Mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp từ nay đến năm 2030 là định hướng ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển toàn diện vai trò hội nhập kinh tế quốc tế để tạo môi trường thuận lợi, tăng nguồn lực, mở rộng thị trường nhằm phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam bền vững, hiệu quả, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Hội nhập kinh tế quốc tế là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam, là công cụ quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Thời gian tới, mục tiêu của ngành Nông nghiệp là phát huy toàn diện vai trò hội nhập để phát triển ngành theo các mũi nhọn như phát triển bền vững, phát triển thị trường giá trị cao, tạo môi trường bình đẳng, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
Để làm được điều đó, các địa phương cần chủ động tham gia các cam kết thị trường quan trọng, mang tính chiến lược của khu vực và thế giới; tăng cường tiếp cận thị trường nông sản, bảo vệ một số ngành trong nước còn yếu kém nhưng có triển vọng, khả năng cạnh tranh trong tương lai; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chống khai thác và kinh doanh thương mại bất hợp pháp động, thực vật hoang dã, bảo vệ nguồn lợi tự nhiên. Căn cứ vào một số định hướng phát triển và giải pháp cụ thể cho từng ngành hàng và thị trường từ nay đến năm 20130, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể.