Ngành sản xuất tiếp tục tăng trưởng mạnh
(Tài chính) Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC, chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của cả nước đạt 52,3 điểm trong tháng 6, giảm 0,2 điểm so với tháng 5. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tới đây ngành sản xuất sẽ tăng trưởng mạnh do nhu cầu tiêu dùng đang tăng.
Tuy chỉ số PMI giảm nhẹ trong tháng 6, nhưng Ngân hàng HSBC cho biết, lĩnh vực sản xuất của nước ta tiếp tục có sự cải thiện về điều kiện kinh doanh. Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng 6 và là tháng thứ 7 tăng liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ tăng chậm lại trong hai tháng liên tiếp (tháng 5 và tháng 6) đã phần nào tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất có thể giải quyết lượng công việc tồn đọng trong tháng 6. Được biết, lượng công việc tồn đọng của tháng 6 giảm và tốc độ giảm nhanh hơn một ít so với tháng 5. Ngoài ra, sản lượng ngành sản xuất của tháng 6 đã tăng và tăng trong suốt 9 tháng qua.
Đại diện các doanh nghiệp cũng cho biết, hoạt động sản xuất trong tháng 6 giảm là do tiếp tục chịu ảnh hưởng của việc thực thi quy định về trọng tải xe. Cụ thể, việc triển khai siết chặt kiểm tra trọng tải xe đã khiến phí dịch vụ vận chuyển tăng. Điều này cùng với các yếu tố đầu vào sản xuất tiếp tục tăng giá khiến gánh nặng chi phí của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Hạn chế về trọng tải cũng gây ảnh hưởng đến thời gian giao hàng khi hiệu suất hoạt động của người bán hàng suy giảm nghiêm trọng trong tháng 6. Điều đó dẫn đến thời gian chuyển giao hàng hóa của các doanh nghiệp bị kéo dài. Mức độ kéo dài của thời gian giao hàng chỉ thấp hơn một ít so với mức kỷ lục của tháng 5. Và để đối phó với gánh nặng chi phí cao hơn, các doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện tăng giá bán sản phẩm, hàng hóa. Mức tăng tuy không nhiều, song đây là lần tăng giá đầu tiên kể từ tháng 1 và tăng mạnh nhất trong 15 tháng qua.
Báo cáo khảo sát của Ngân hàng HSBC cũng cho thấy, tốc độ tạo việc làm trong lĩnh vực sản xuất vẫn ở mức thấp. Trong khi, số lượng đơn đặt hàng mới lại cao hơn, làm cho một số doanh nghiệp phải tăng số lượng nhân công. Song, số lượng nhân công của một số công ty khác lại giảm do công nhân bỏ việc. Cũng theo báo cáo, hoạt động mua hàng trong tháng 6 tiếp tục gia tăng và đây là mức tăng trong vòng mười tháng qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của hoạt động mua hàng của tháng 6 đã chậm lại, và là tốc độ thấp nhất kể từ tháng 9/2013. Dù vậy, hoạt động mua hàng hóa tăng đã góp phần hỗ trợ các công ty gia tăng lượng dự trữ tồn kho hàng mua, và là tốc độ tăng của số lượng tồn kho hàng mua tăng nhanh nhất kể từ tháng 7/2011. Lượng hàng tồn kho nhiều đơn vị đã giảm khi thực hiện giao thành phẩm cho các đơn hàng đã ký kết.
Có thể thấy, lĩnh vực sản xuất của nước ta vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh, dù có chậm lại trong tháng 6. Nguyên nhân chính là do nhu cầu tiêu dùng, đặt và mua hàng hóa đang tiếp tục gia tăng. Tuy nhu cầu mua hàng của nước ngoài tăng chậm lại song các chuyên gia kỳ vọng đây chỉ là tình trạng tạm thời do những bất ổn về chính trị. Với mức duy trì hàng tồn kho thấp và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng 6, lĩnh vực sản xuất thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển tốt, nhất là khi những căng thẳng đã giảm dần và các doanh nghiệp đã được hỗ trợ để trở lại sản xuất.