Ngành Tài chính kịp thời thực hiện chấn chỉnh ngân sách nhà nước giai đoạn 1945-1950

PV.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám, tình hình đất nước vô cùng gian nan, ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong hoàn cảnh đó, dù gặp muôn vàn khó khăn, vất vả, với sứ mệnh huy động mọi nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu chi tiêu khẩn cấp và quan trọng của Chính phủ, góp phần bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng, Bộ Tài chính đã nhanh chóng triển khai chấn chỉnh ngân sách nhà nước 1945-1950.

Các tầng lớp Công thương Hà Nội nô nức ủng hộ Quỹ Độc lập và Tuần lễ Vàng tổ chức tại Nhà hát Lớn, Hà Nội (tháng 9/1945).
Các tầng lớp Công thương Hà Nội nô nức ủng hộ Quỹ Độc lập và Tuần lễ Vàng tổ chức tại Nhà hát Lớn, Hà Nội (tháng 9/1945).

Vô vàn thách thức 

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Đúng vào những ngày đầu tiên Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập thì ngành Tài chính Việt Nam cũng chính thức đặt mốc son cho sự ra đời, ngày 28/8/1945.

Lúc này, nền kinh tế của một nước nông nghiệp lạc hậu nửa thuộc địa, phong kiến, lại bị chủ nghĩa thực dân, phát xít khai thác, chiếm đóng trong một thời gian dài đã trở nên kiệt quệ. Ngân khố trung ương khi về tay nhân dân chỉ vẻn vẹn còn 1.250.000 đồng Đông Dương bằng tiền mặt, trong đó có 58 vạn đồng là tiền hào rách nát, chờ tiêu hủy. Quỹ của Trung ương Đảng lúc bàn giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng chỉ còn 24 đồng Đông Dương.

Trước đó, mặc dù thực dân Pháp đã tăng thuế và định giá thu mua lúa cùng một số nông sản khác, ngân sách Đông Dương vẫn không bảo đảm được yêu cầu chi nên chính quyền bảo hộ đã phát hành giấy bạc một cách bừa bãi; nhiều loại giấy bạc trước kia chưa hề có mặt trên thị trường, được đưa vào lưu thông. Kết quả là chỉ tính 8 tháng đầu năm 1945, ngân sách đất nước đã thâm hụt 185 triệu đồng Đông Dương và phải lạm tiêu vào quỹ dự trữ. Đó là chưa kể đến khoản 564 triệu đồng nợ chưa thanh toán.

Đây là thời điểm nhân dân Việt Nam phải sống trong tình trạng lương thực, hàng hóa khan hiếm và lạm phát…Hậu quả nặng nề nhất là nạn đói đã xảy ra, nhân dân vô cùng khó khăn về đời sống, tình hình sản xuất sa sút về mọi mặt, thương mại, lưu thông bị nạn đầu cơ thao túng gây bất ổn.

Chấn chỉnh ngân sách, từng bước khắc phục khó khăn về tài chính 

Điều cần kíp nhất trong giai đoạn 1945-1950 là huy động mọi nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu chi tiêu khẩn cấp và quan trọng của Chính phủ, góp phần bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng mới thành lập.

Do đó, Đảng, Chính phủ và ngành Tài chính dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng (9/1945 - 3/1946) đã tập trung xây dựng hệ thống chính sách tài chính theo quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào dân, phục vụ nhân dân vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân.

Để thực hiện nhiệm vụ này, sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, các ngân sách cũ được tiếp tục thi hành trong thời gian đầu, để tránh sự xáo trộn không cần thiết. Tháng 7/1946 một hệ thống ngân sách mới đã được hình thành bao gồm: Ngân sách Nhà nước, ngân sách quốc phòng, ngân sách hoả xa, ngân sách của ba kỳ: Bắc, Trung, Nam và ngân sách của hai thành phố Hà nội - Hải phòng.

Năm 1947 do chiến sự lan rộng, không có điều kiện lập ngân sách nên Bộ Tài chính chỉ lập một quỹ chi tiêu cho cả nước và phân cấp công quỹ cho mỗi tỉnh để tránh việc địch chia cắt, phong tỏa. Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947, tình hình đã có tín hiệu khả quan và tương đối ổn định hơn, nên cần phải lập ngân sách để Chính phủ có phương tiện quản lý thu chi của Nhà nước, tránh chi tiêu tùy tiện, lãng phí.

Hệ thống ngân sách thời chiến được đơn giản, chỉ gồm hai cấp: ngân sách Nhà nước và ngân sách xã, cụ thể:

- Ngân sách Nhà nước chia làm hai phần: phần chi thu thường do các nguồn thu thường xuyên bảo đảm (thuế, công trái, các quỹ) và phần chi tiêu quốc phòng, phần lớn dựa vào phát hành giấy bạc.

- Ngân sách xã đảm bảo những chi tiêu của xã, thăng bằng do những nguồn thu riêng của xã và nếu thiếu thì quỹ hỗ trợ xã hoặc ngân sách Nhà nước trợ cấp. Việc thành lập ngân sách xã nhằm đáp ứng yêu cầu củng cố chính quyền nhân dân ở cấp cơ sở đồng thời chấn chỉnh công tác tài chính ở xã, tránh việc huy động tùy tiện và sử dụng lãng phí tài sản của nhân dân.

Để giảm bớt chi tiêu về bộ máy Nhà nước, năm 1950, Chính phủ đã thực hiện việc tinh giảm biên chế, chuyển bớt nhân viên hành chính sang các ngành quân sự và sản xuất. Nhưng để đảm bảo đời sống cho cán bộ, bộ đội, công nhân viên chức, chế độ lương bổng được tính theo gạo (mức tối thiểu là 35kg, tối đa là 72kg). Gia đình công nhân viên chức cũng được trợ giúp một phần (vợ 11 kg, con dưới 16 tuổi 5kg rưỡi một tháng). Vì vậy, quỹ lương chiếm một vị trí rất quan trọng trong ngân sách nhà nước, nhất là khi tiền tệ ngày một sụt giá, giá gạo không ngừng lên cao.

Thời điểm này, số thu của ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo được một phần nhỏ số chi nên mục tiêu ngành Tài chính đề ra là cố gắng thăng bằng phần thu chi thường và tranh thủ thu nhiều hơn chi để giành một phần kinh phí bảo đảm chi tiêu quốc phòng, giảm bớt dần việc phát hành giấy bạc. Để ổn định kế hoạch ngân sách, tránh những biến động do tiền tệ bấp bênh gây nên, ngân sách nhà nước ghi thu và ghi chi bằng thóc. Việc cấp phát được thực hiện một phần bằng hiện vật để bớt phải dùng đồng tiền.

Theo thể lệ chi thu và kế toán đại cương ban hành năm 1948 thì tài chính Nhà nước được quản lý theo nguyên tắc tập trung, thống nhất: mọi quyền hạn về thu, chi đều tập trung ở Trung ương nhưng có ủy quyền trong phạm vi nhất định cho các địa phương. Thời kỳ đầu việc ủy quyền còn hẹp, các địa phương có ít quyền hạn thực tế nên ít quan tâm đến công tác tài chính, việc kiểm soát bị buông lỏng, tham ô, lãng phí khá phổ biến.

Từ cuối năm 1949, cấp khu được ủy quyền sử dụng phần ngân sách thuộc địa phương mình và xét duyệt các khoản chi tiêu của các cơ quan trong địa phương. Việc thanh tra, kiểm tra tài chính được tăng cường bước đầu do việc thành lập Nha tổng thanh tra tài chính.

Những biện pháp kịp thời, chủ động của ngành Tài chính Việt Nam giai đoạn 1945-1950 đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo nhu cầu ngày càng lớn của kháng chiến, thực hiện khẩu hiệu của chiến tranh nhân dân là "toàn dân tham gia, toàn dân đóng góp".

Tài liệu tham khảo:

1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính;

2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn).