Ngành Tài chính: Nắm bắt cơ hội, tận dụng lợi thế từ Cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với ba trụ cột là công nghệ kỹ thuật số, công nghệ vật lý và công nghệ sinh học có tác động rất lớn đến các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành Tài chính. Điều này đòi hỏi ngành Tài chính kịp thời có những giải pháp đồng bộ để ứng phó với thách thức, tận dụng cơ hội phát triển trong CMCN 4.0.
Cơ hội song hành cùng thách thức
CMCN 4.0 mở ra những cơ hội nhưng cũng song hành cùng thách thức tác động tới tất cả các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam, và ngành Tài chính không phải là ngoại lệ. Phát biểu tại Hội thảo “Tăng cường năng lực của ngành Tài chính trong tiếp cận cuộc CMCN 4.0” do Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 11/5/2018, TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho rằng, CMCN 4.0 tác động tích cực đến lĩnh vực tài chính như: Phát triển dịch vụ giao dịch trực tuyến thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; Giúp nguồn thu ngân sách nhà nước được tăng cường trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế được cải thiện, năng suất lao động được nâng cao; Chi ngân sách ở một số nội dung như chi bảo vệ môi trường, chi bộ máy hành chính nhà nước... có thể giảm.
Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra thách thức trong việc xây dựng hệ thống thể chế chính sách tài chính - ngân sách nhà nước phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Theo đó, hệ thống chính sách thuế và thu ngân sách phải được điều chỉnh đảm bảo thực hiện tốt các cam kết hội nhập về thuế xuất nhập khẩu theo xu hướng hiện nay; Bao quát các hoạt động kinh tế mới phát sinh trong bối cảnh áp dụng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh; Đảm bảo góp phần huy động có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. CMCN 4.0 cũng có thể gây sức ép tăng chi, đặc biệt là chi cho phát triển khoa học công nghệ, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, hỗ trợ nghiên cứu phát triển, chi cho cơ sở hạ tầng...
Cùng chung quan điểm trên, PGS., TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, CMCN 4.0 có thể giúp thông tin, dữ liệu tài chính công được quản lý dễ dàng và chính xác; Góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính; Mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp lĩnh vực tài chính khởi nghiệp sáng tạo... Ông Chung nhận định, bên cạnh những cơ hội, CMCN 4.0 cũng đặt ra thách thức đối với ngành Tài chính về an toàn, bảo mật thông tin.
Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, công tác quản lý hoạt động tài chính mới hoạt động trên nền tảng internet vạn vật là một thách thức lớn đối với ngành Tài chính trong CMCN 4.0. Thách thức này đòi hỏi cơ quan quản lý cần thay đổi chính sách, công cụ quản lý để phát huy tối đa sức mạnh của máy móc và xử lý dữ liệu.
Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng, yêu cầu về trình độ, chất lượng nhân sự trong CMVN 4.0 cũng là một thách thức đối với ngành Tài chính để tận dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0. Điều này đòi hỏi ngành Tài chính cần có kế hoạch đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để tham mưu xây dựng chiến lược, định hướng chính sách, thực hiện quản lý hoạt động tài chính trong tình hình mới.
Kịp thời tiếp cận và tận dụng triệt để cơ hội từ CMCN 4.0
Để ứng phó với thách thức, tăng cường năng lực tiếp cận và tận dụng những cơ hội từ CMCN 4.0, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành một số văn bản định hướng triển khai ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách như: Quyết định số 556/QĐ-BTC ngày 24/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt Kế hoạch 5 năm về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 9/3/2018 của Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính về triển khai ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách; Quyết định số 446/2018/QĐ-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động của Bộ nhằm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ.
Trong Kế hoạch hành động nêu trên, Bộ Tài chính đã đề ra 05 nội dung để tập trung triển khai đến năm 2025 bao gồm: Xây dựng chiến lược và hoàn thiện cơ chế, chính sách chuyển đổi số; Tiếp tục xây dựng, phát triển tài chính điện tử, hình thành hệ sinh thái tài chính số; Thiết lập môi trường làm việc điện tử và xây dựng Cổng giao tiếp ngành Tài chính; Triển khai dịch vụ hạ tầng và an toàn bảo mật thông tin tài chính và tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo kiến thức về cuộc CMCN 4.0.
Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chú trọng chỉ đạo toàn Ngành thực hiện hiệu quả nhiều chính sách, giải pháp nhằm thích nghi, tận dụng lợi thế của CMCN 4.0 như: Tiếp tục mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng cho các doanh nghiệp, mở rộng triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, kết nối thông tin nộp thuế điện tử giữa các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc và các ngân hàng thương mại... Nhờ đó, ngành Tài chính luôn là một trong những ngành dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin với 4 năm liên tiếp dẫn đầu về chỉ số ICT-Index.
Cũng tại Hội thảo “Tăng cường năng lực của ngành Tài chính trong tiếp cận cuộc CMCN 4.0” , TS. Nguyễn Viết Lợi cho biết, ngành Tài chính đã và đang nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới là công nghệ “lõi” của CMCN 4.0 như: Công nghệ mạng xã hội, công nghệ di động, công nghệ phân tích dữ liệu lớn và công nghệ điện toán đám mây nhằm tiếp cận và tận dụng hiệu quả nhất các cơ hội từ cuộc CMCN 4.0.
Ông Lợi cho rằng, để triển khai thành công những ứng dụng trên trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, ngành Tài chính cần tiếp tục giải quyết các vấn đề về quản lý nhân lực và tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; An ninh, bảo mật thông tin; Kiểm soát giao dịch và hoạt động trong các lĩnh vực thuế, kho bạc, hải quan, chứng khoán, bảo hiểm...