Tăng cường năng lực của ngành Tài chính trong tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0
Ngày 11/5/2018, tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo Tăng cường năng lực của ngành Tài chính trong tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 nhằm đánh giá khả năng tiếp cận cuộc CMCN 4.0 của ngành Tài chính.
Toản cảnh Hội thảo. |
Hội thảo có sự tham dự của TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính; PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Ngoài ra, Hội thảo còn góp mặt của các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - tài chính; Đại diện các cơ quan quản lý thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính như: Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...; Đại diện các trường đại học, các đơn vị thuộc tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận...
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Viết Lợi cho rằng, thế giới đang chuyển mình sang một giai đoạn mới - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với ba trụ cột là công nghệ kỹ thuật số, công nghệ vật lý và công nghệ sinh học.
CMCN 4.0 tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam, bao gồm cả cơ hội và thách thức. CMCN 4.0 có thể tạo ra những lợi thế của những nước đi sau như Việt Nam trong điều kiện được tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu đặc biệt là quản lý ở cả nền kinh tế; Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đi vào những ngành, lĩnh vực tiến tiến, có năng suất lao động và hiệu quả cao.
TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính phát biểu tại Hội thảo. |
Tuy nhiên, cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam trong nghiên cứu và phát triển khoa học cơ bản, trong gắn kết chặt chẽ hơn nữa nghiên cứu khoa học và sản xuất, trong quản lý điều phối tích hợp các yếu tố công nghệ, phi công nghệ, giữa thực và ảo, giữa con người và máy móc...
Đối với ngành Tài chính, CMCN 4.0 có thể tác động giúp phát triển dịch vụ giao dịch trực tuyến thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS); Thủ tục hành chính thuế, hải quan, chứng khoán. CMCN 4.0 có thể mang lại tác động tích cực giúp nguồn thu ngân sách nhà nước được tăng cường trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế được cải thiện, năng suất lao động được nâng cao và những hoạt động kinh tế mới phát sinh thuộc và liên quan đến lĩnh vực công nghệ số; Chi ngân sách ở một số nội dung như chi bảo vệ môi trường, chi bộ máy hành chính nhà nước... có thể giảm trong bối cảnh CMCN 4.0.
Bên cạnh những tác động tích cực, CMCN 4.0 cũng đặt ra một số thách thức trong việc xây dựng hệ thống thể chế chính sách tài chính - ngân sách nhà nước phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Theo đó, hệ thống chính sách thuế và thu ngân sách phải được điều chỉnh đảm bảo thực hiện tốt các cam kết hội nhập về thuế xuất nhập khẩu theo xu hướng hiện nay; Bao quát các hoạt động kinh tế mới phát sinh trong bối cảnh áp dụng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh; Đảm bảo góp phần huy động có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. CMCN 4.0 cũng có thể gây sức ép tăng chi, đặc biệt là chi cho phát triển khoa học công nghệ, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, hỗ trợ nghiên cứu phát triển, chi cho cơ sở hạ tầng...
Với chủ đề “Tăng cường năng lực của ngành Tài chính trong tiếp cận cuộc CMCN 4.0”, TS. Nguyễn Viết Lợi đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận vào các nội dung đặt ra đối với ngành Tài chính về cuộc CMCN 4.0 cũng như đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao năng lực của ngành Tài chính nhằm tiếp cận cuộc CMCN 4.0.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi về khái niệm, bản chất và nội hàm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những cơ hội, thách thức đối với kinh tế Việt Nam; Những nỗ lực của ngành Tài chính trong tiếp cận CMCN 4.0 trong những năm gần đây, thể hiện trên các lĩnh vực: thuế, hải quan, kho bạc, dự trữ nhà nước và dịch vụ tài chính...; Tác động của CMCN 4.0 đến lĩnh vực tài chính, ngân sách nhà nước, nhận diện những khó khăn và thách thức đặt ra đối với ngành Tài chính; Chia sẻ kinh nghiệm của một số ngành khác trong việc nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0; Định hướng và giải pháp nâng cao năng lực của ngành Tài chính trong tiếp cận CMCN 4.0.